TP. Huế: Cần đẩy nhanh tiến độ dự án môi trường nước
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 02:38, 05/11/2018
– Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế (TT-Huế) đã đạt khoảng trên 90% khối lượng, riêng Nhà máy xử lý nước thải, các trạm bơm, cơ bản hoàn thành phần xây dựng và nhà thầu đang tiến hành lắp đặt các thiết bị điện và cơ khí. Tuy nhiên, tiến độ nghiệm thu và giải ngân nguồn vốn đạt thấp, chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra.
>>>TPHCM: Nhiều hộ dân bị mất nước do ống nước bị rò rỉ
>>> Khánh Hòa: 300 hộ dân không có nước sạch ngay cạnh thành phố Nha Trang
Dự án do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư; được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với lãi suất chỉ 0,5%. Kinh phí là 24 tỷ yên, trong đó 20,8 tỷ yên là của Chính phủ Nhật Bản, phần còn lại Trung ương cam kết thông qua Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính chi trả.
Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế thi công chậm và được gia hạn đến năm 2020
Theo tiến độ cam kết Hiệp định vay giữa Chính phủ Việt Nam với Nhật Bản, dự án được thực hiện trong vòng 10 năm, từ 2008 – 2018. Tuy nhiên, do thi công chậm nên Ban quản lý Dự án đã cùng với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp gửi đơn kiến nghị về việc gia hạn thời gian hoàn thành của dự án này đến ngày 31/12/2020 lên Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý.
Theo BQLDA cải thiện môi trường nước TP Huế, công tác GPMB cơ bản hoàn thành. Tiến độ thi công đến nay các gói thầu đã đạt khoảng trên 90% khối lượng, tuy nhiên tiến độ nghiệm thu và giải ngân nguồn vốn đạt thấp, chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra. BQLDA đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương về một số phát sinh trong quá trình triển khai các gói thầu, như: Thay đổi hình thức trạm biến áp điện cung cấp điện tại các điểm bơm từ thiết kế hở sang thiết kế kín nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị; dịch chuyển tuyến cống xả từ nhà máy nước xử lý nước thải ra sông Như Ý; hoàn thiện thủ tục một số hạng mục thi công bổ sung… Khối lượng còn lại ở các gói thầu không lớn, các hạng mục thi công khó, do độ sâu chôn ống lớn, giao cắt với cầu đường bộ, băng qua sông… Thời gian tới, BQLDA sẽ tăng cường giám sát để yêu cầu nhà thầu điều chỉnh chi tiết tiến độ thi công và có cam kết hoàn thành; phối hợp với các phường để nâng cao tỷ lệ đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước chung nhằm nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý nước thải.
Cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế cuối tuần qua, ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế đã yêu cầu khẩn trương hoàn thành các thủ tục gia hạn nguồn vốn vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời điều chỉnh tiến độ một số dự án, thành phần nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng để không vượt thời gian gia hạn và cần phải đặc biệt quan tâm vấn đề hoàn trả mặt bằng. Giao BQL Khu vực phát triển đô thị tỉnh thực hiện dự án bổ sung đấu nối hệ thống nước thải tại Khu đô thị An Vân Dương vào hệ thống thu gom nước thải của dự án cải thiện mội trường nước TP Huế.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh- Giám đốc Ban quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước cho biết, hiện dự án đang ở giai đoạn cuối, trong đó 3 gói thầu đường ống đạt tiến độ khoảng trên 90%. Riêng gói xây dựng Nhà máy xử lý nước thải, các trạm bơm, cơ bản hoàn thành phần xây dựng và nhà thầu đang tiến hành lắp đặt các thiết bị điện và cơ khí để vận hành thử.
Các gói thầu lắp đặt đường ống, cửa xả, cống bao đấu nối vào các trạm bơm, như tuyến ống bao ở đường Lê Lợi, đường ống dài 20m trên đường Bội Châu, 3 điểm lắp đặt đường ống đường Phan Chu Trinh với chiều dài khoảng 120m và một số điểm thi công đường kiệt ở đường Ngô Gia Tự, Hàn Mặc Tử, Bà Triệu… đang được gấp rút triển khai.
“Việc khó hiện nay là các hạng mục còn lại thi công cực khó, chôn rất sâu. Tuy nhiên, không phải việc gia hạn là chỉ dành cho công tác xây lắp bởi dự kiến đến quý I/2019 sẽ hoàn thành việc xây lắp. Việc gia hạn chủ yếu là tăng thêm thời gian cho việc nghiệm thu, bảo dưỡng vận hành, thanh quyết toán”- ông Tuấn Anh cho biết thêm.
Cũng theo Ban quản lý Dự án, đơn vị đã và đang yêu cầu các nhà tư vấn, nhà thầu xây dựng phương án phòng chống bão lũ ở những điểm có thể ảnh hưởng đến người dân. Yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ các hạng mục đã triển khai, nhất là các vị trí hạ lưu, cửa xả, các tuyến đã thi công phải được đấu nối tạm thời để thoát nước. Trong quá trình xảy ra mưa lũ, tăng cường công tác đảm bảo trên công trường, phạm vi thi công phải được rào chắn, các hố sâu phải được rào kiên cố, có đầy đủ biển cảnh báo, chỉ dẫn, đèn… Cùng với đó, bố trí nhân lực túc trực thường xuyên tại các điểm thi công, chuẩn bị các phương tiện, vật tư để chủ động đề phòng tình huống xấu.
Hiện các tuyến đường ở TP. Huế vẫn đang được các đơn vị thi công tiến hành đào bới, san lấp, lắp đặt ống cống. Nhưng, nhiều điểm thi công làm bụi bay mù mịt, thiếu biển cảnh báo nguy hiểm hoặc cảnh báo sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người đi đường.
Hà Linh (T/h)