Hát Trống quân làn điệu dân gian nổi tiếng nghe dịp đầu Xuân
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 00:07, 16/02/2018
(Moitruong.net.vn) – Từ lâu, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín được biết tới như một nơi có địa hình thơ mộng với sông Nhuệ và sông Tô Lịch tựa dải lụa mềm chảy ngang qua. Đặc biệt, nơi đây còn nổi tiếng bởi những làn điệu trống quân da diết.
Hát trống quân tại xã Khánh Hà
Lề lối hát trống quân ở Khánh Hà đặc biệt hơn nhiều vùng miền khác ở chỗ, kép hát luôn tuân thủ chặt ở các chặng hát. Đó là, chặng chào hỏi mở đầu, chặng đối đáp tâm tình, chặng hát hẹn giã biệt. Đến giờ, những người Khánh Hà vẫn truyền tai nhau rằng, điệu hát đặc sắc của vùng có từ thời vua Lê Lợi. Với họ, hát Trống quân đã trở thành một nét văn hóa đẹp, là chất keo kết nối tình làng nghĩa xóm. Trong cuộc đọa đàm về nghệ thuật hát Trống quân được tổ chức tại Đình làng Khánh Vân, xã Khánh Hà, theo PGS. Nhạc sĩ Đặng Hoàng Loan – Chuyên gia âm nhạc dân tộc: Trống quân là trống cổ nhất của người việt, rồi cái trống được nâng lên đánh bằng cái hũ, trên là cái mâm đồng, kéo dây ra hai bên. Hiện, có khoảng 1.000 bài hát trống quân. Khánh Hà đã, đang phục dựng lại lối hát Trống quân. Đây là một trong những nơi phục dựng tương đối sớm mà hoạt động hiệu quả.
Hiện nay, câu lạc bộ hát Trống quân xã Khánh Hà có 45 thành viên. Các thành viên có nhiều độ tuổi khác nhau, từ các em nhỏ 10 tuổi cho đến các cụ cao niên 70, 80 tuổi. Để hát được Trống quân, người hát phải có chất giọng tốt, cao, tròn vành, rõ tiếng. Mỗi nhóm tham gia thường có từ 5 đến 7 người. Nam mặc bộ quần áo nâu tươi, đầu quấn khăn lưỡi rìu mầu đỏ, nữ mặc váy nâu, áo cánh nâu bên ngoài, đầu quấn khăn nhung đen. Chứng kiến không khí say sưa tập luyện của các thành viên CLB Hát Trống quân Khánh Hà trong những ngày lễ hội mới thấy sự đam mê, yêu văn nghệ của người dân nơi đây. Những câu luyến láy da diết của các “nghệ sĩ chân đất” cất lên thật đằm thắm, cuốn hút lòng người…
Vào những ngày mùa xuân, mùa thu khi làng mở hội, người ta thường tổ chức Hát Trống quân. Hát Trống quân trong hội làng ở Khánh Hà thường diễn ra sau phần tế thần ở trong đình của các quan viên, cầu cho mưa thuận, gió hòa mùa màng tươi tốt. Sau phần lễ, làng tổ chức nhiều trò chơi đánh cờ, chọi gà… và hát Trống quân. Bảy làng (thôn) trong xã Khánh Hà đều có hát Trống quân, các làng đều mời nhau tham dự những cuộc hát này.
Cuộc Hát Trống quân ở hội làng được tổ chức bài bản. Người ta chọn những chàng trai, cô gái thường là chưa vợ, chưa chồng khôi ngô, khỏe mạnh, xinh tươi, duyên dáng có giọng hát hay, có tài ứng đối văn thơ. Mỗi nhóm tham gia Hát Trống quân có từ 5 đến 7 người. Nam mặc bộ quần áo nâu tươi, đầu quấn khăn lưỡi rìu, nữ mặc yếm trắng, yếm đào bên trong, áo cánh nâu bên ngoài, thắt lưng hoa đào, hoa lý, váy nâu, đầu quấn khăn nhung đen. Người ta mang một chiếc thùng gỗ rồi úp ngược trên một tấm gỗ dài ở giữa sân đình, căng một sợi dây mây được xe rất săn trên một chiếc chạc nhỏ bằng gỗ ổi, gim hai đầu dây thật chặt vào tấm gỗ dài có đặt thùng gỗ. Khi hát, mỗi khi bên nam, bên nữ cất lên một câu hát thì gõ vào dây mây điểm nhịp, dây mây tác động vào thùng gỗ tạo ra những tiếng thình thùng thình âm vang cả một vùng không gian rộng khắp sân đình.
Hát Trống quân xã Khánh Hà tham dự Liên hoan dân ca, dân vũ Hà Nội
Hát Trống quân trong hội làng có thi thố, bên nam, bên nữ đưa ra được những câu hát có nội dung hay về một vấn đề nào đó như hiện tượng thiên nhiên, bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, hay về cỏ cây hoa lá, tình cảm lứa đôi… mà một bên không đối được thì thua. Giải thưởng cuộc hát rất giản đơn chỉ là tấm lụa hoặc cái khăn, cái áo ..
Bên cạnh đó, khác với Hát Trống quân ở hội làng được diễn ra giữa sân đình, vào những đêm trăng sáng mùa thu, trai gái các làng trong xã Khánh Hà thường rủ nhau ra các bãi cỏ, trên bở sông Tô Lịch, sông Nhuệ mang một cái thuổng khoét xuống đất một cái hố theo kiểu hình chum, bề ngang miệng hố rộng khoảng 35 – 40 phân, sâu độ 45 – 50 phân, đặt một tấm gỗ mỏng lên trên, căng một sợi dây mây hoặc dây chão được xe thật săn trên một chiếc nạng gỗ nhỏ đặt chính giữa tấm gỗ, cột chắc hai đầu dây bằng hai cọc tre xuống đất. Khi hát người ta làm dùi trống là một thanh tre nhỏ, bằng hai ngón tay, dài độ 35 – 40 phân được mài nhẵn gõ vào sợi dây, dây tác động vào hố tạo nên những tiếng thình thùng thình rất trầm, ấm, âm vang trong lòng đất. Lề lối Hát Trống quân diễn ra trên bãi cỏ đầu làng hay trên bờ sông đều gồm 4 chặng như hát ở sân đình, chỉ khác về cấu tạo chiếc trống. Chiếc trống được khoét dưới đất ở đây người ta gọi là Thổ cổ, tiếng Hán Việt, nghĩa là Trống đất.
Mở đầu cuộc hát, đại diện cho bên nam, một chàng trai lấy dùi gõ vào dây trống hát:
Này cô cả, cô hai đấy ơi.
Lạ lùng anh mới tới đây
Chân ướt, chân ráo, chân dầy bùn đen.
Thấy nàng anh muốn làm quen.
Còn ai má phấn, răng đen hỡi nàng? …
Đại diện bên nữ, lấy dùi gõ vào dây trống hát đáp:
Ở nhà em mới ra đây
Chân ướt, chân ráo, chân dầy bùn khô.
Ở đây có bưởi non ăn
Tìm đâu cho được đào tơ chốn này.
Bưởi non chấm muối đậm đà
Chàng ăn nhớ mãi bưởi làng Khánh Vân…
Bên nam và bên nữ cứ từng đôi một, thay nhau hát đối đáp hết chặng chào hỏi, khoảng độ nửa canh giờ, thì chuyển sang chặng hát đố họa. Những câu đố họa thường mượn cảnh vật trăng sao, núi sông, hoa lá, cây cỏ để thử tài trí thông minh, bày tỏ tình cảm nam nữ.
Đặc sắc và độc đáo là vậy, nhưng từng có thời điểm hát trống quân ở Khánh Hà bị gián đoạn, có lúc tưởng rơi vào quên lãng. Chứng kiến những câu hát đã chinh phục bao lớp người dần rơi vào quên lãng, những người tâm huyết với điệu hát này như cụ Nguyễn Thị Ny, ông Nguyễn Mạnh Tươi… luôn ấp ủ phải làm một điều gì đó để lưu giữ nét văn hoá đặc sắc này. Ông Nguyễn Mạnh Tươi, Chủ nhiệm CLB hát trống quân xã Khánh Hà bộc bạch: “Từ năm 2005, xã Khánh Hà bắt đầu phục dựng lại lối hát trống quân. Đầu tiên là gặp các cụ cao tuổi để ghi lại các lời hát, làm tài liệu để dạy hát cho các cháu nhỏ từ 10 đến 15 tuổi. Thôn Đan Nhiễm là thôn có nhiều các cụ biết các làn điều trống quân và các cháu rất say mê. Nhiều cháu đã hát được các làn điều trống quân cổ của các cụ ngày xưa”.
Bước qua thời điểm khó khăn, giờ đây trống quân Khánh Hà đã ít nhiều được xa gần biết tới, lớp trẻ cũng gắn bó với môn nghệ thuật này hơn. Song, bên cạnh niềm vui đó, những thành viên trong CLB vẫn còn nhiều điều trăn trở. Cụ Nguyễn Thị Ny chia sẻ: Hiện, khó khăn lớn nhất mà CLB phải đối mặt là lớp trẻ lớn lên, họ lập gia đình nên thường bỏ hát. Đáng lo hơn cả, CLB chỉ tìm được các kép nữ, không tìm được kép nam…nên công tác lưu giữ và truyền dạy điệu hát càng trở nên cấp bách hơn.
Có thể nói, lời ca trong hát Trống quân Khánh Hà có những nội dung chung với nhiều nội dung hát Trống quân ở các địa phương. Nhưng có những nội dung rất riêng, nói về làng quê tươi đẹp của vùng đất này. Âm nhạc trong Trống quân Khánh Hà có những nét tương đồng với Trống quân ở nơi khác, song lại có những nét đặc trưng riêng, biểu hiện của sự thống nhất trong đa dạng của nghệ thuật Hát Trống quân.
Theo HNP