Thầy Đồ trẻ và cái duyên “gieo chữ” tặng người

Môi trường du lịch - Ngày đăng : 02:00, 18/02/2018

(Moitruong.net.vn) – Vào những ngày cuối năm, không khí Tết đã ùa về trên khắp các đường phố Hà Nội, mọi người đã cùng nhau nói về câu chuyện ngày Tết năm nay sẽ phải chuẩn bị như thế nào? Được nghỉ bao lâu? Sẽ làm gì trong Tết. Tôi tìm đến với lớp học Thư pháp của Thầy đồ trẻ Lê Dương Duyên, cùng trò chuyện và lắng nghe tâm sự của anh khi có duyên với nghệ thuật thư pháp cũng như “gieo chữ” tặng người.

Thầy đồ và những người có duyên xin chữ

7 năm xa quê “tặng chữ” ngày Xuân

Là người yêu chữ và ngay từ nhỏ đã được người cha luyện chữ cho, chính cái duyên đó đưa Thầy đồ Dương đến với nghệ thuật Thư pháp và duyên “gieo chữ” tặng người.

Hiểu được văn hóa người Việt và cũng là cái duyên với con chữ, mà từ khi xa quê năm 2010, đến với vùng đất Hà Nội – Thăng Long, cũng là lúc Thầy đồ Dương bắt đầu gieo duyên con chữ cho mọi người. Năm nào cũng vậy, dịp Tết đến anh đều không về quê mà ở lại Hà Nội “tặng chữ” cho người dân.

Khi được hỏi về những nơi anh thường “gieo chữ” tặng người ở đâu, anh vui vẻ cho biết: “Có duyên biết đến Phật pháp, được quý thầy dạy dỗ, giúp đỡ nên những ngày đầu Xuân, mình thường viết ở chùa, bởi phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Và đã 7 năm nay, vào ngày đầu Xuân khi đến lễ chùa tại chùa Tảo Sách – Tây Hồ, hình ảnh Thầy đồ trẻ với bận áo dài, khăn xếp bên cạnh mực tàu, giấy đỏ tươi cười tặng chữ cho mọi người đã trở nên quen thuộc với mỗi người đến đây lễ Phật.

Tâm niệm và lời Thầy đồ Dương muốn gửi tới mọi người

Ngoài ra, hiểu được văn hóa xin chữ của mỗi vùng miền như: Người miền Nam thường xin chữ trước Tết, người miền Bắc hay xin chữ đúng vào những ngày Tết, với miền Trung nắng gió, thời điểm nào người ta cũng xin chữ khi có điều kiện. Hình thức ba miền có chút khác nhau nhưng đều sống trọn niềm vui, nhà nhà đều đón Xuân, không khí nơi đâu cũng rộn ràng sắc Xuân. Vào mỗi dịp cuối năm, Thầy đồ Dương thường dành một chút thời gian khoảng 15 ngày vào Nam để tặng chữ cho người dân. Với anh, không phân biệt người đi xin chữ, bất kể là trẻ con hay người lớn, thanh niên hay người già, đã đến chùa là có tâm niệm tốt rồi nên anh đều tặng chữ.

Được mọi người yêu quý và có duyên “gieo con chữ tặng người đời” mà cũng đã 7 năm nay anh chưa có cơ hội về quê ăn Tết cùng gia đình, anh tâm sự rằng: “Xa quê đã bao năm, nhớ quê hương, nhớ bố mẹ nên ngày Tết tôi rất muốn về sum họp gia đình. Trước tình yêu chữ của mọi người dành cho cũng làm tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Mọi người rất trân trọng xin chữ, đầu năm mới, ai cũng có tâm nguyện, tôi cho chữ đúng sở cầu của người ta thì sẽ nhận được vui vẻ và ấm áp. Nên tôi tâm niệm sẽ làm tròn trọng trách, học hạnh Bồ Tát, làm những việc có ích cho xã hội:

Đã mang lấy nghiệp thư đồ

Con nguyện gieo chữ cam lồ Quán Âm.”

(Lê Dương Duyên)

Chữ “Phúc”, chữ “An” mang hạnh phúc

Đầu năm, trong quan niệm của người Việt chúng ta đều luôn cầu cho gia đình, bản thân những điều may nắm, bình an, hạnh phúc. Theo đó, tùy vào tâm nguyện sở cầu của mỗi người mà ông đồ cho chữ. Trong đó: chữ Lộc thường được mọi người xin nhiều, vì lộc không chỉ có nghĩa đơn giản là hiện kim mà hơn hết lộc bao gồm mọi thứ như Tài – Đức – Phú quý – Công danh… Ngoài ra, đối với Thầy đồ Dương, anh hay cho nhiều chữ  Phúc, chữ An, vì anh tâm niệm giàu nghèo không quan trọng, luôn an vui, hạnh phúc là được.

Khi được hỏi về kỷ niệm “gieo chữ” ngày Xuân mà anh nhớ nhất, anh đã cười và kể rằng: “Có rất nhiều kỷ niệm, nhưng kỷ niệm tôi nhớ nhất là có lần một bác gái đến chùa lễ Phật xong, muốn xin chữ về cho con trai, mong năm mới sẽ đón thành viên mới. Nhìn bác ấy cầm bức thư pháp ra về với vẻ rất vui. Ngày Tết năm sau, bác ấy đến khoe với mình rằng, bác đã có cháu để bế để bồng rồi. Nghe mà lòng tôi vui lạ, ấm áp”. Nghe lời kể và nụ cười của anh tôi cảm nhận được niềm vui hạnh phúc của người cho chữ, cũng như thiêng liêng biết bao nét đẹp, sự thành tâm trong văn hóa xin chữ của cả người cho và người nhận.

Thầy đồ trẻ Lê Dương Duyên

Ngoài ra, đã có duyên với “con chữ” trong năm, không kể ngày Xuân hay ngày thường, duyên lành đến là Thầy đồ Dương đều viết chữ gửi tặng. Anh quan niệm rằng “Thời điểm nào không quan trọng, quan trọng bạn biết quý thời gian” là anh đều tặng chữ.

Tôi gọi Thầy đồ Dương là “Thầy đồ trẻ” là bởi, chúng ta đã quen với hình ảnh Thầy đồ là những người đã lớn tuổi, còn với Thầy đồ Dương, chàng trai sinh năm 1991, nhờ cái duyên cho chữ mà đã rất nhiều người quen biết, xin chữ đều gọi anh hai tiếng “Thầy đồ”.

Anh tâm sự rằng: “Thư pháp là một trong những bộ môn nghệ thuật tôi theo đuổi. Tôi quan niệm, sự hiểu biết của con người không dựa vào thời gian năm sinh, mà dựa vào không gian, hoàn cảnh sống. Không gian là những người chúng ta đã tiếp xúc, những việc ta đã trải qua, là những khó khăn thất bại ta đã thử. Người nào ham học hỏi, dám thử thách bản thân thì dù trẻ vẫn có thể làm được điều mình muốn. Bất kể ai trong chúng ta cũng đều có giá trị riêng, chỉ cần tìm tòi, khám phá sẽ khẳng định được giá trị bản thân.

Ông đồ là tên gọi chung của người cho chữ, tôi cảm thấy hạnh phúc khi được mọi người trân trọng, ưu ái gọi bằng cái tên “Thầy đồ”. Chính vì thế, được mọi người tin tưởng yêu quý, tôi mở lớp dạy thư pháp theo đúng nghĩa thầy đồ mà mọi người đã tặng danh xưng cho tôi”.

“Tặng chữ cho người” là cái duyên của người cho chữ và người xin chữ, mong rằng với tâm niệm của mình, duyên “gieo chữ” của Thầy đồ Dương sẽ đến được với nhiều người hơn nữa.

Câu chuyện của chúng tôi kết thúc, tôi cũng đã hiểu thêm được về nét văn hóa “xin chữ” và “cho chữ” của người dân Việt Nam, cũng như không quên xin cho mình một chữ “An” với tâm niệm “Cầu mong bình an, an vui cho bản thân và gia đình” trong năm mới và lời chúc năm mới của Thầy đồ Dương mong muốn gửi tới tất cả chúng ta:

MAI

Xuân đi trăm vạn hoa tàn

Xuân về thắm lại vô vàn sắc hoa

Trước mắt thế sự đi qua

Trên đầu tuyết điểm sương sa vô thường

Dẫu cho Xuân tận miên trường

Nhành mai khuất núi còn vương gót này.(*)

(*) Cảm tác từ bài thơ thiền nổi tiếng “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư.

(Lê Dương Duyên)

Hướng Dương