Bảo tồn văn hóa truyền thống tại đền thờ ông Hoàng Mười

Môi trường du lịch - Ngày đăng : 09:33, 24/02/2018

(Moitruong.net.vn) – Cứ mỗi độ Xuân về, du khách thập phương lại nô nức trẩy hội Đền ông Hoàng Mười  (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).

Đền ông Hoàng Mười  ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An

Đền ông Hoàng Mười là ngôi đền thờ đạo Mẫu Tứ phủ, vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười.  Ngôi đền đã và đang giữ được vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân ở địa phương và cả nước.

Tương truyền,  ông Hoàng Mười là một vị tướng yêu nước thương dân là “Đức Thánh Minh” trong hàng các ông quan Hoàng của tín ngưỡng Đạo Mẫu, được nhiều người ngưỡng mộ và được thờ ở nhiều địa phương trong cả nước. Ông được giao cai quản về tâm linh – trấn giữ một vùng non nước dọc sông Lam, nên đền ông Hoàng Mười  ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An là linh điện thờ chính, còn những nơi thờ Tứ Phủ theo Đạo mẫu đều thờ ông, nhưng chỉ là phối thờ.

Ông Hoàng Mười là con thứ mười của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình theo lệnh ông giáng trần để giúp dân phù đời. Tuy nhiên, có giai thoại nhân dân suy tôn ông là Ông Hoàng Mười không chỉ vì ông là con trai thứ mười mà còn vì ông là người tài đức vẹn toàn, văn võ song toàn “mười” mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn. Ông không những là vị tướng xông pha chinh chiến nơi trận mạc, mà ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương.

Lễ vật dâng cúng ông Hoàng Mười thường là: cờ quạt bút sách… để cầu tài cầu lộc cũng là cầu mong cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài

Về thân thế của ông khi hạ phàm thì có rất nhiều dị bản. Theo như ở vùng Nghệ Tĩnh thì ông được coi là Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh, sau làm đến nguyên thần tam triều Lê gia, phong đến chức Khâm Sai Tiết Chế Thủy Lục Chư Dinh Hộ Vệ Thượng Tướng Quân. Lại có một dị bản khác cho rằng ông giáng xuống trần là Uy Minh Vương Lí Nhật Quang, con trai Vua Lí Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An.

Nhưng sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện: Ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây ông luôn một lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân, truyện kể rằng có một lần xảy ra cơn cuồng phong làm đổ hết nhà cửa, ông liền sai quân lên rừng đốn gỗ về làm nhà cho dân, rồi mở kho lương cứu tế.

Trong một lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh, không may có đợt phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên dòng sông Lam này. Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thì trời quang đãng, nổi áng mây vàng, bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ, khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông. Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời. Sau này khi hiển ứng, ông được giao cho trấn thủ đất Nghệ Tĩnh, ngự trong phủ Nghệ An.  Khi ngự về đồng Ông Mười thường mặc áo vàng (có thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét vàng, cài chiếc kim lệch màu vàng kim.

Du khách thập phương trẩy hội đền ông Hoàng Mười

Ngày ông giáng sinh 10/10 Âm lịch được coi là ngày tiệc chính của ông, vào ngày này, du khách thập phương nô nức đến chiêm bái tại khu vực đền tấp nập, trải dài  đến tận đôi bờ sông Lam, người ta dâng ông: cờ quạt bút sách… để cầu tài cầu lộc cũng là cầu mong cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông.

Tưởng nhớ đến công lao của ông, người dân nơi đây đã góp công góp của lập nên đền thờ vị tướng “Tài đức vẹn toàn” này. Ngôi đền được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê trên diện tích hơn 3 ha ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên. Nhìn từ xa, đền ông Hoàng Mười tọa lac trên vị trí rất uy nghi, tĩnh mặc. Phong cảnh thiên nhiên nơi đây non xanh nước biếc thật hữu tình. Trước mặt đền là dòng Lam Giang như  một dải lụa xanh trải rộng, thuyền bè tấp nập ngược xuôi sông Cồn Mộc quanh co, uốn khúc ôm ấp quanh đền, đôi bờ là những đồng lúa bát ngát, xanh tươi.  Phía sau, bên kia sông Cồn Mộc là núi Kỳ Lân, núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô với những dấu tích lịch sử, những rừng thông, bạch đàn bạt ngàn tươi tốt.

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, chiến tranh và thiên tai, ngôi đền bị hư hỏng nhiều, được phục dựng vào những năm cuối thế kỷ XX với 3 toà chính: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện cùng với tả vu, hữu vu, đài Cửa Trùng, điện Cô Chín và khu mộ Ông Hoàng Mười.

Hội chính đền ông Hoàng Mười được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 Âm lịch hàng năm (ngày giỗ ông Hoàng Mười). Lễ hội có các hoạt động hấp dẫn như rước sắc bằng thuyền từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền, tế thần, dâng hương tưởng niệm, cùng các hoạt động văn hoá – thể thao khác…

Đền Ông Hoàng Mười cũng là một trong những nơi diễn ra Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống quân xâm lược.  Bên cạnh lễ hội ông Hoàng Mười diễn ra từ mùng 8 đến 10/10 Âm lịch thì còn có lễ rước sắc vào dịp 14/3.  Ngoài những ngày lễ hội, những ngày thường (đặc biệt là vào mùa xuân) khách thập phương trong cả nước vẫn thường xuyên tụ họp tại đây để thắp hương tưởng niệm, cầu an, cầu lộc. Trong khói hương trầm mặc, hàng vạn  du khách từ khắp nước tụ họp về đây để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ đến một vị tướng tài đức vẹn toàn.

Mỗi du khách về với đền ông Hoàng Mười để dâng hương, cầu lễ trước hết là về với đức tin hướng thiện và sự linh nghiệm trong đời sống tâm linh để mỗi con người thêm trân trọng những giá trị văn hóa tinh thần được xây đắp, gìn giữ và phát huy bao đời nay, để luôn hướng tới cái đẹp chân, thiện, mỹ trong cuộc sống cũng như sự thanh thản trong mỗi tâm hồn.

Về nơi đây, du khách thập phương còn được chiêm ngưỡng quê hương Xứ Nghệ – vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng.

     Kế Hùng

Kế Hùng