ĐBSCL: 40% diện tích đất sẽ bị "chìm" do biến đổi khí hậu
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 04:33, 04/04/2019
– Thuộc vùng ven biển lại thêm địa hình thấp, nên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra.
>>>Lý Sơn sụt giảm mực nước ngầm, cần tìm kiếm giải pháp bền vững
>>>Hà Lan: Hành trình tìm giải pháp sống chung với “giặc” nước
Tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh phía Nam
Nói về vấn đề xâm nhập mặn tại khu vực này, ông Phùng Tiến Dũng, trưởng phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ – Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết:: Trong những tháng đầu mùa khô năm 2018-2019, khu vực ĐBSCL có độ sâu xâm nhập mặn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, cao hơn mùa khô 2017-2018. Tuy nhiên đỉnh mặn chỉ duy trì trong thời gian ngắn vào các ngày triều cường sau đó lại giảm theo triều cường.
Hàng chục nghìn hécta lúa ở ÐBSCL bị đe dọa do lũ và xả đập
Xâm nhập mặn ăn sâu nội đồng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu?
Ông Phùng Tiến Dũng: Theo đánh giá của các chuyên gia về BĐKH thì những kịch bản của BĐKH mà ĐBSCL đang phải gánh chịu đã hiện hữu. Trong vòng một thế kỷ nữa, nhiệt độ nước biển tại Việt Nam tăng 3 độ C, mực nước biển vùng ĐBSCL tăng từ 55 – 75 cm, khiến 40% tổng diện tích ĐBSCL bị ngập nước.
Việc nước biển dâng, xâm mặn sẽ dẫn đến hậu quả 45% diện tích vùng ĐBSCL bị nhiễm mặn vào năm 2030. Tác động của BĐKH đã tác động đến ĐBSCL, điển hình là đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016 đã làm hầu hết các cửa sông tại vùng này bị xâm mặn từ 50 km đến 70 km. Sông Vàm Cỏ có lúc bị xâm mặn hơn 90km, thiệt hại lớn đến kinh tế – xã hội.
Nắng nóng và hạn hán đang diễn ra khá gay gắt
Ông Phùng Tiến Dũng: Do động của El Nino, nhiệt độ trên cả nước ta có xu hướng tăng, hầu hết các tháng chính Đông (tháng 12, tháng 1 và tháng 2), nhiệt độ đều cao hơn so với trung bình từ 1-1,5 độ C, lượng mưa trong tháng 1,2,3 ở khu vực Tây Nguyên phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Lượng dòng chảy trên các sông chính ở khu vực Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 10-35%, một số sông thiếu hụt nhiều hơn. Do đó đã xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại một số vùng tại khu vực Tây Nguyên.
Thời tiết hạn hán, nắng nóng và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất
Ông Phùng Tiến Dũng: Hạn hán, nắng nóng làm cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Hậu quả là sản lượng và nguồn cung cấp lương thực bị ảnh hưởng. Nếu hạn hán kéo dài thì nhiều vùng sản xuất nông nghiệp có thể bị mất trắng, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Hạn hán, nắng nóng kết hợp với xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước ngọt cung cấp cho cây lúa, ảnh hưởng đến năng suất, thậm chí khi xâm nhập mặn sâu thì nhiều diện tích lúa sẽ chết không thể cứu vãn. Khi xâm nhập mặn kéo dài còn gây ảnh hưởng đến lịch thời vụ của vụ tiếp theo do không chủ động được nguồn nước ngọt để xuống giống.
Khuyến cáo khi đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan
Ông Phùng Tiến Dũng chia sẻ: Các cấp chính quyền và người dân cần liên tục theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo khô hạn, xâm nhập mặn để có các biện pháp chủ động ứng phó.
Tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ tình hình diễn biến thời tiết khô hạn, thiếu nước để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý.
Có kế hoạch phù hợp vận hành các công trình thủy lợi để điều tiết và phân phối nước hợp lý. Phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, hộ dùng nước trong khai thác sử dụng nước.
Xâm nhập mặn là một hiện tượng không dễ quan sát và người dân chỉ biết khi nó gây ra thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Do vậy người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về số liệu độ mặn trước khi lấy nước vào đồng.
Ngọc Hằng (T/h)