Gia Lai: Kiểm soát nguồn xả thải để quản lý, bảo vệ tài nguyên nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:16, 03/06/2016
– Đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt nguồn nước ngầm do khai thác tràn lan, ô nhiễm nguồn nước mặt do các hoạt động xả thải và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tỉnh Gia Lai đã chủ động tăng cường công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh, nhằm mục đích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên này.
Nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nguy cơ cạn kiệt do ảnh hưởng của thời tiết và biến đổi khí hậu.
Thực trạng đáng lo ngại
Thống kê từ ngành chức năng cho thấy, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 112 công trình hồ chứa nước, 3 con sông lớn và nhiều con suối lớn, nhỏ. Hiện trạng khai thác nước ngầm trên địa bàn diễn ra phổ biến và hầu như không có sự giám sát của cơ quan chức năng. Việc tự động đào giếng, khoan giếng theo nhu cầu sử dụng nước diễn ra phổ biến trong nhân dân, phần lớn ở khu vực nông thôn. Hiện toàn tỉnh có 54.184 giếng đào và hàng nghìn lỗ khoan nước dưới đất đang được sử dụng để khai thác hàng nghìn mét khối nước cung cấp cho ăn uống, sinh hoạt và sản xuất công nghiệp.
Nguồn nước mặt cung cấp cho sinh hoạt chủ yếu lấy từ sông, hồ, suối qua xử lý để sử dụng nhưng lại đang chịu tác động trực tiếp của tự nhiên, con người, động vật. Chất thải rắn vẫn ngày ngày thải trực tiếp xuống sông, suối, các khu đất trống, gây mất mĩ quan và ô nhiễm môi trường nói chung và nguồn nước nói riêng. Hệ thống các nhà máy chế biến nông, lâm sản, cao su trên địa bàn mặc dù đã trang bị hệ thống xử lý chất thải những đôi khi vấn đề xử lý chưa triệt để vẫn xảy ra. Tình trạng xả chất thải, rác, nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào nguồn nước, lòng đất đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ ô nhiễm TNN.
Mặt khác, trong khai thác và sử dụng nước vùng quy hoạch, vấn đề bảo đảm nước cho môi trường chưa được quan tâm xem xét và giải quyết. Các hồ chứa nước đã xây dựng đều sử dụng hết lượng nước của sông ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên trong mùa cạn, dòng chảy môi trường ở hạ du cho duy trì hệ sinh thái và chính dòng chảy của sông cũng bị tác động. Tình trạng này khiến cho các đoạn sông hạ lưu các hồ chứa và đập nước có thể xảy ra cạn kiệt và suy thoái nghiêm trọng, một số đoạn sông có nguy cơ trở thành đoạn sông chết.
Theo nghiên cứu mới nhất về kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng cho Việt Nam của Bộ TN&MT, tính đến năm 2025, lượng mưa ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng tăng 2,7% và mùa khô giảm 2,8%. Điều này có thể giảm trữ lượng nước sử dụng về mùa mưa, nhưng có thể gây lũ lụt. Nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng trong bối cảnh khô hạn, thiếu nước ngày càng trầm trọng, hàng ngàn hecta đất thiếu nước sản xuất. Ở nhiều khu vực, người dân thiếu nước sinh hoạt. Do vậy, việc lập kế hoạch quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước của tỉnh Gia Lai là điều hết sức cần thiết.
Duy trì việc xả nước về hạ du của các hồ chứa thủy điện để tạo sự lưu thông dòng chảy, hạn chế ô nhiễm nguồn nước hạ lưu.
Quy hoạch để quản lý và bảo vệ
Để quản lý, khai thác một cách tiết kiệm, hiệu quả và bền vững TNN, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng TNN đến năm 2025. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 và hiện trạng tài nguyên nước xác định nhu cầu khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Từ đó, đưa ra quy hoạch bảo vệ TNN, quy hoạch mạng quan trắc tài nguyên nước, các giải pháp phòng chống giảm thiểu lũ lụt, hạn hán và các tác động của biến đổi khí hậu đối với quy hoạch TNN.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ quy định pháp luật về TNN. Đồng thời, hạn chế cấp phép khai thác nước dưới đất đối với các khu vực có khả năng đáp ứng ổn định cho các nhu cầu sử dụng TNN, các khu vực có nguồn nước mặt nhiều; vùng có các hệ thống cung cấp nước tập trung; các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư tập trung đã có hệ thống cấp nước tập trung và chất lượng dịch vụ cấp nước đảm bảo yêu cầu chất lượng, số lượng…
Việc tự động đào giếng nước theo nhu cầu sử dụng diễn ra phổ biến gây khó khăn cho công tác quản lý TNN.
Ông Lê Tuấn Anh – Trưởng phòng Tài nguyên nước, Sở TN&MT Gia Lai cho biết: Hiện, trữ lượng nước tính toàn được trên địa bàn tỉnh là khoảng hơn 6,2 triệu m3, thuộc mức trung bình, một số huyện của tỉnh trữ lượng rất ít hoặc không có như huyện Ia Pa. Những năm gần đây, nguồn nước có nguy cơ cạn dần do ảnh hưởng của thời tiết và biến đổi khí hậu, thêm vào đó, người dân khai thác và sử dụng nước lãng phí mà cơ quan quản lý không thể nắm bắt hết được. Việc cấp giấy phép khai thác và sử dụng nước dưới đất còn rất ít và chưa phổ biến thực hiện.
“Thời gian qua, Sở TN&MT đã phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để tăng cường công tác quản lý TNN, nhất là trong việc thống kê, kiểm kê công trình khai thác, sử dụng TNN, hoạt động xả nước thải vào nguồn nước; cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước và bảo vệ nước dưới đất. Xây dựng kế hoạch hành động nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp TNN trên địa bàn. Các cơ quan quản lý cũng luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ TNN trên địa bàn; tổ chức các hoạt động hưởng ứng các ngày lễ về môi trường như: Ngày Nước thế giới; Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường”, ông Lê Tuấn Anh cho biết thêm.
Theo Báo Tài nguyên và Môi trường