“Nóc nhà thế giới” tràn ngập rác
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 23:35, 20/06/2018
(Moitruong.net.vn) – Đỉnh Everest được mệnh danh là “nóc nhà thế giới’, hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến du lịch khám phá. Tuy nhiên, kèm theo đó là một lượng lớn rác thải để lại khiến nơi đây biến thành một bãi rác khổng lồ và cao nhất thế giới.
Băng tuyết tan để lộ ra nhiều loại rác do du khách bỏ lại trên đỉnh Everest
Đỉnh Everest (tên gọi khác là Chomolungma) có độ cao 8.842 m so với mực nước biển luôn là điểm đến vô cùng hấp dẫn cho những ai ưa khám phá mạo hiểm và muốn thử thách bản thân. Theo thống kê mới nhất, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 600 người leo lên Everest.
Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều người đến đây đã mang đến những tác động tiêu cực đối với môi trường khu vực đỉnh núi và xung quanh. Mọi người đến và rời đi nhưng để lại một lượng lớn rác thải như: chai lọ, túi nilon, lều bạt… khiến nơi đây trở thành điểm tích tụ rác du lịch. Vì là điểm du lịch không có người quản lý nên hàng ngày, đỉnh Everest đang phải chịu đựng hàng tấn rắc thải tràn ngập khắp nơi.
Theo Ủy ban kiểm soát ô nhiễm Sagarmatha (SPCC), vào năm 2017, những người leo núi ở Nepal đã mang xuống gần 25 tấn rác và 15 tấn chất thải. Năm nay, dự kiến số lượng rác tồn đọng trên đỉnh núi sẽ còn kinh khủng hơn khi những người leo núi gần như chỉ mang xuống một nửa hành lý lúc họ leo lên.
Chai lọ, túi nilon tràn ngập khắp nơi trên đỉnh núi
5 năm trước, giới chức Nepal đã ra quy định mỗi nhóm leo núi phải đóng tiền ký quỹ 4.000 USD và sẽ được hoàn lại nếu mỗi người đem xuống núi ít nhất 8kg rác thải để bảo vệ môi trường du lịch. Còn ở ngọn núi Himalaya, thuộc khu vực Tây Tạng, giới chức yêu cầu những người leo núi phải mang xuống đúng lượng hành lý mà họ mang lên núi, và sẽ phạt tiền 100 USD cho mỗi kí hành lý bị bỏ lại. Dù đã có những quy định như vậy, nhưng dường như số tiền phải bỏ ra trên không đáng là bao so với số tiền những người đến đây chịu chi ra để leo núi. Điều này làm rấy lên lo ngại về vấn đề đảm bảo an toàn môi trường du lịch nơi đây.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu cũng đã và đang làm tan chảy nhiều lớp băng trên đỉnh núi làm lộ ra thêm nhiều loại rác thải tích tụ từ lâu thì đỉnh Everest trông càng “thảm họa”. Các nhà môi trường bày tỏ sự lo ngại rằng việc ô nhiễm trên đỉnh Everest cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước dưới thung lũng. Hiện tại, nước thải thô từ bãi cắm trại trên đỉnh Everest sẽ đổ thẳng xuống một ngôi làng gần đó khoảng một giờ đi bộ, theo những rãnh nước.
Trước thực trạng trên, các nhà khoa học đang nghiên cứu phương pháp lắp đặt một hầm biogas gần khu vực cắm trại trên đỉnh Everest để biến phân người thành một loại phân bón hữu ích. Mặc dù vậy, ý thức của người du lịch vẫn là yếu tố then chốt.
Hoàng Dương