Khám phá du lịch miệt vườn sông nước

Môi trường du lịch - Ngày đăng : 12:00, 01/09/2018

Chợ phiên vùng cao tại Hà Nội dịp 2/9

(Moitruong.net.vn) – Du lịch sông nước miệt vườn với không khí thoáng mát, không gian yên tĩnh cùng những nét văn hóa độc đáo và sự hiếu khách của người dân đang là sự lựa chọn của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Những năm gần đây du lịch sinh thái ở miền Tây đang rất phát triển, tận dụng và phát huy những nét riêng vốn có của miền sông nước về cảnh vật, con người và văn hóa.

Du lịch sông nước miệt vườn đang là sự lựa chọn của nhiều du khách trong nước và quốc tế

Về với vùng sông nước du khách sẽ cảm nhận rõ ràng sự nhiệt tình và nồng hậu của người dân ở đây. Đến đây, du khách có rất nhiều lựa chọn cho mình, trong đó được lựa chọn nhiều nhất là tham quan các vườn trái cây, vườn hoa, làng nghề truyền thống… Mùa nào quả ấy, đất đồng bằng mến đãi du khách xa gần bằng những loại trái cây ngọt lành, du khách có thể hái và thưởng thức trái cây chín tại vườn hoặc đem về làm quà cho người thân, bè bạn. Những vườn chôm chôm sai quả ở cù lao An Bình (Vĩnh Long), vườn sầu riêng thơm lừng ở Bến Tre hay vườn dâu Hạ Châu trĩu quả ở Cần Thơ luôn là điểm dừng chân hút khách xa gần. Hằng năm vào dịp tết Đoan Ngọ ở một số địa phương có tổ chức lễ hội trái cây với quy mô hoành tráng như Chợ Lách (Bến Tre), Tân Lộc (TP. Cần Thơ) … Nếu muốn đến tham quan những vườn hoa lâu đời và phong phú về chủng loại thì có các làng hoa Phó Thọ – Bà Bộ (TP. Cần Thơ), Tân Quy Đông (Đồng Tháp) …

 Một hoạt động khác hấp dẫn không kém đó là đi thuyền khám phá cảnh vật. Trong đó có thể kể đến việc tham quan các chợ nổi như Cái Răng (TP. Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Bảy (Hậu Giang)… Các ghe, tàu đậu san sát, tiếng người mua bán tấp nập tạo nên sự sôi động của một khu chợ vùng sông nước. Có một điểm độc đáo của chợ nổi là hình ảnh cây “bẹo”. Đó là một cây sào cắm trên mỗi chiếc ghe, tàu như một dấu hiệu nhận diện đặc biệt. Bởi trên cây “bẹo” treo món gì thì người ta sẽ biết trên chiếc ghe, tàu ấy bán loại hàng gì. Ngoài ra, du khách cũng sẽ có những phút giây thư giãn khi thong thả len lỏi bằng xuồng giữa các mương trồng cây trái (Cái Mơn, Bến Tre), những vườn tràm với bát ngát màu xanh của bèo (Trà Sư, An Giang) hay những vườn dừa tỏa bóng mát rượi (cù lao Tân Lộc, TP Cần Thơ).

Du khách cũng có thể kết hợp du lịch với việc tìm hiểu những nét văn hóa, ẩm thực độc đáo của các dân tộc sông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Du khách sẽ được xem cuộc tranh tài ngoạn mục của cuộc đua ghe ngo, nghe nhạc ngũ âm rộn vang và thưởng thức món cốm dẹp còn thơm hương nếp mới trong lễ hội Ok Om Bóc của người Khomer vùng đất Trà Vinh, Sóc Trăng. Về với An Giang, du khách hãy một lần dừng chân ghé lại làng Chăm đển cảm nhận không khí yên bình của một ngôi làng mang nhiều nét văn hóa độc đáo giữa vùng châu thổ. Sản phẩm dệt lụa và thổ cẩm ở đây đã nổi tiếng khắp xa gần bởi sự tinh tế trong bí quyết nhuộm sợi vải cũng như chăm chút cho từng hoa văn, họa tiết.

Gần đây, các khu du lịch còn hút du khách, đặc biệt là giới trẻ bởi các hoạt động trò chơi dân gian. Mô hình mới lạ này được lòng du khách bởi họ sẽ được hóa thân thành người nông Nam Bộ trong trang phục áo bà ba, khăn rằn tham gia trải nghiệm một ngày làm nông dân với nhiều hoạt động hấp dẫn như tát mương bắt cá, làm vườn. Hoạt động trải nghiệm làm bánh dân gian gần đây cũng thu hút đông đảo giới trẻ bởi sự độc đáo của các món bánh truyền thống có phần lắng dịu trong nhịp sống hiện đại. Sôi nổi hơn nữa là các trò chơi bơi xuồng, bơi thuyền thúng, chạy xe đạp qua cầu, đi dây thăng bằng qua hồ… Các nhà vườn du lịch cũng thiết kế không gian khá rộng rãi để phục vụ các đoàn công ty đơn vị tổ chức hoạt động team building hay lửa trại vào buổi tối.

Sự đa dạng trong văn hóa, phong tục, phong cảnh… đã tạo nên những nét độc đáo, đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Một sớm mai về miền Tây, hãy một lần trải nghiệm và hòa mình vào không khí trong trẻo, an lành của vùng sông nước, chắc hẳn du khách sẽ được lắng lòng mình sau những bộn bề của cuộc sống và cảm nhận được sự nồng hậu, chất phát của người dân bản xứ.

Gia Khang

Gia Khang