Lối đi nào cho phát triển du lịch bền vững ở Bình Dương?
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 07:00, 19/03/2019
Nhiều hạn chế vướng mắc đang hiện hữu
Bình Dương là tỉnh giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua du lịch Bình Dương còn nhiều hạn chế, như: nghèo sản phẩm, thiếu đặc trưng, thiếu khả năng cạnh tranh…
Lễ hội Rằm tháng Giêng tại Bình Dương thu hút đông đảo du khách
Là địa phương có tài nguyên du lịch tương đối đa dạng với nhiều địa danh mang đậm nét đặc trưng của vùng miền Ðông Nam Bộ vốn nổi tiếng cả nước, như: vườn cây ăn trái đặc sản Lái Thiêu, khu vực núi Cậu – hồ Dầu Tiếng, núi Châu Thới.
Bên cạnh đó, Bình Dương có 12 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và 44 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh với những địa danh đi vào lịch sử, như: nhà tù Phú Lợi, Ðịa đạo Tam giác sắt, Chiến khu Ð, chùa Hội Khánh, chùa Bà Thiên Hậu, kiến trúc những ngôi nhà cổ…; nhiều hồ chứa nước lớn, như: Dầu Tiếng, Cần Nôm, Ðá Bàn, Phước Hòa cùng hệ thống sông Sài Gòn, sông Ðồng Nai, sông Thị Tính bao bọc, hình thành cảnh quan sông nước hữu tình với những miệt vườn cây trái xanh tốt; các làng nghề truyền thống, như sơn mài, gốm sứ, mây tre đan,…
Đây còn là khu vực có hai thế mạnh rất quan trọng khác cho phát triển du lịch: một là, nằm ngay cạnh TP Hồ Chí Minh – một trung tâm kinh tế của cả nước, gần sân bay quốc tế, thuận lợi để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; hai là, tỉnh có mức độ đô thị hóa và công nghiệp hóa hàng đầu Việt Nam, tạo được tính năng động cao cho người dân, kéo theo nhu cầu du lịch và năng lực làm kinh tế du lịch cao trong lợi thế so sánh với các tỉnh lân cận.
Mặc dù vậy, những năm qua, du lịch Bình Dương phát triển vẫn chưa tương xứng. Dẫu đã hình thành hệ thống sản phẩm du lịch tương đối đa dạng, với các dịch vụ nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch sinh thái; du lịch vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan làng nghề; du lịch gắn với di tích lịch sử văn hóa… Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn và chưa tạo được sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao, đóng góp của du lịch vào cơ cấu kinh tế của tỉnh còn rất thấp.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương, năm 2017, tỉnh thu hút 4,55 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 1.280 tỷ đồng; năm 2018, thu hút 4,75 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 1.360 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của ngành du lịch Bình Dương mới chỉ đạt 2,07% về số lượng lượt khách và 4,24% về doanh thu du lịch.
TS Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) dẫn chứng: Năm 2017, GRDP của Bình Dương đạt 248 nghìn tỷ đồng, trong khi công nghiệp đạt 152 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 63,8% GRDP) thì dịch vụ lưu trú và ăn uống chỉ đạt 4.751 tỷ đồng, mới bằng gần 2% GRDP. Khảo sát thực tế cũng cho thấy, du khách đến những điểm du lịch tại Bình Dương phần lớn là người trong tỉnh, khả năng thu hút du khách từ nơi khác, nhất là du khách có khả năng chi tiêu và sử dụng dịch vụ cao cấp rất hạn chế.
GS, TSKH Trần Ngọc Thêm (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, điểm yếu của du lịch Bình Dương là các điểm đến nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến hệ lụy là đơn điệu, buộc du khách phải di chuyển nhiều cho nên hiệu quả kinh doanh du lịch không cao, sức thu hút du khách không lớn. Một điểm yếu nữa là cách làm du lịch theo kiểu “nông dân”, chưa có tầm nhìn để giúp gia tăng giá trị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Ðặng Minh Hưng thẳng thắn nhìn nhận, việc tỉnh đã phát triển công nghiệp, đô thị với quy hoạch hạ tầng đồng bộ suốt hàng chục năm qua, là tiền đề rất thuận lợi cho du lịch Bình Dương phát triển. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống sản phẩm du lịch của tỉnh chưa có giá trị thật sự nổi trội, chưa thành chuỗi dịch vụ liên hoàn để tạo khả năng cạnh tranh trong việc thu hút du khách đến Bình Dương.
Giải pháp đồng bộ, chú trọng sản phẩm chiến lược
Trong định hướng phát triển đến năm 2020, Bình Dương xác định sẽ xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp ngày càng quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Ðể khắc phục những hạn chế nhằm giúp du lịch phát triển, tỉnh đang tập trung thực hiện việc phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế ba không gian theo Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, không gian phía nam tập trung phát triển các loại hình du lịch gắn với khu vực ưu tiên là miệt vườn Lái Thiêu và khu vực ven sông Sài Gòn. Không gian phía tây bắc tập trung phát triển các loại hình du lịch kết hợp ưu tiên đầu tư ở khu vực hồ Dầu Tiếng, hồ Cần Nôm kết nối các điểm tham quan gắn với các di tích lịch sử, văn hóa và khu du lịch núi Cậu – hồ Dầu Tiếng. Không gian phía đông dọc theo sông Ðồng Nai và Sông Bé phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch sông nước gắn với miệt vườn cây ăn trái ven sông.
Bình Dương đang đồng bộ các giải pháp để phát triển du lịch bền vững
Đồng thời, Bình Dương đã xác định du lịch đường sông là sản phẩm chiến lược trong định hướng phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh thời gian tới. Năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Trên cơ sở đó, tỉnh có 14 bến hành khách phục vụ du khách đi lại trên các sông Sài Gòn, Ðồng Nai và tham quan các điểm du lịch ven sông. Ðây là điều kiện thuận lợi để Bình Dương liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng như TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai bằng du lịch đường sông. Hiện nay, ngành du lịch tỉnh đang phối hợp với Saigontourist khai thác tuyến du lịch đường sông Sài Gòn để đưa khách đến Bình Dương.
Song song, tỉnh đang phối hợp với hai tỉnh Bình Phước, Tây Ninh xây dựng kế hoạch phát triển tuyến du lịch quốc tế bằng đường bộ qua cửa khẩu Hoa Lư đến Cam-pu-chia, Lào, Thái-lan và ngược lại.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Nguyễn Khoa Hải cho biết: Bên cạnh phát triển các khu, điểm du lịch, các vườn cây ăn trái phục vụ khách du lịch, phát triển du lịch đường sông, liên kết với các địa phương, tỉnh còn chú trọng các “địa chỉ đỏ” đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của đất và người Bình Dương trong hai cuộc kháng chiến, như: Ðịa đạo Tam giác sắt (thị xã Bến Cát) và Chiến khu Ð (huyện Bắc Tân Uyên). Nhằm phát triển hài hòa du lịch, gắn kết với việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của những vùng đất thép năm xưa, cùng với việc khai thác, đưa khách đến tham quan các di tích lịch sử cách mạng, ngành du lịch
Bình Dương đang tích cực thực hiện công tác bảo tồn, sưu tầm, trưng bày các hiện vật. Tại Chiến khu Ð, từ năm 2018 đến nay, Sở đã triển khai thực hiện sưu tầm hình ảnh tư liệu, hiện vật di tích để phục vụ trưng bày, lưu trữ; đồng thời đang triển khai dự án “Trưng bày mỹ thuật khu tưởng niệm Chiến khu Ð giai đoạn 2016-2019”. Tại Ðịa đạo Tam giác sắt, Sở đã sưu tầm và trưng bày gần 700 hiện vật tại khu chứng tích chiến tranh.
Các giải pháp kể trên bước đầu phát huy hiệu quả, thu hút nhiều du khách đến tham quan. Mới đây, anh Vũ Minh Tiến (phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) có dịp tham quan Ðịa đạo Tam giác sắt, được trải nghiệm mô hình tái hiện cuộc sống, sinh hoạt và chiến đấu của quân và dân vùng địa đạo trong thời kỳ chiến tranh. Anh thấy ấn tượng sâu sắc về cách làm mới, khoa học đã thu hút du khách khi tham quan các di tích lịch sử…
Hưởng ứng chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển du lịch của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư tạo sự chuyển biến trong phát triển du lịch. Tại Khu du lịch, văn hóa, thể thao Ðại Nam (TP Thủ Dầu Một) có quy mô 450 ha, mới đây chủ đầu tư đã xây dựng thêm trường đua Ðại Nam tạo nên một quần thể du lịch, văn hóa, thể thao theo mô hình công viên với nhiều loại hình vui chơi giải trí hấp dẫn, hằng năm đón hơn hai triệu lượt khách tham quan, chiếm đến 50% số lượt du khách đến Bình Dương.
Chủ đầu tư Khu du lịch Ðại Nam cho biết, sắp tới sẽ đầu tư thêm bến thủy để kết nối đến các tuyến đường sông nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Một chủ đầu tư khác là Công ty cổ phần Xuân Cầu Bình Dương cũng đang đẩy mạnh thực hiện “Dự án trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ núi Cậu – Dầu Tiếng và bán đảo Tha La” quy mô 1.232 ha.
Ðây là dự án có quy mô lớn kết hợp với chùa Thái Sơn và hồ Dầu Tiếng, sẽ trở thành một điểm tham quan hấp dẫn phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Ðể khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển du lịch bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Ðặng Minh Hưng cho biết: Hiện tỉnh đang tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển các tuyến, tua du lịch kết nối với các tỉnh, thành phố, các hoạt động du lịch để hình thành chuỗi sản phẩm, dịch vụ tạo động lực cho ngành du lịch phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ khách, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; phát huy giá trị các tài nguyên du lịch thiên nhiên và du lịch văn hóa; nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch; từ đó góp phần trong quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu “Du lịch Bình Dương” với du khách trong và ngoài nước.
An Nhiên (T/h)