Ấn Độ: Hai dòng sông chung một số phận “hấp hối” từng ngày vì ô nhiễm
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 11:00, 23/07/2019
Moitruong.net.vn
– Trong khi thượng nguồn vẫn trong lành hiền hòa, hạ nguồn sông Hằng linh thiêng của Ấn Độ lại đang hấp hối từng ngày vì ô nhiễm khủng khiếp.
Ấn Độ trong thời gian gần đây trở thành một địa điểm du lịch được nhiều người tìm đến. Với nền văn minh cổ đại đầy bí hiểm, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới sau Trung Quốc này khiến du khách luôn đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.
Khi nhắc tới Ấn Độ, người ta nghĩ ngay đến dòng sông Hằng linh thiêng. Thượng nguồn sông Hằng là một dòng trong suốt chảy từ dãy Himalaya. Dòng sông là địa danh quan trọng nhất của tiểu lục địa Ấn Độ, nơi khởi nguồn của nền văn minh Ấn Độ. Tên của con sông được đặt theo tên nữ thần Hindu Ganga nên nó còn được gọi là sông mẹ.
Theo tín ngưỡng của đạo Hindu, cuộc đời của người chưa hoàn thiện nếu chưa một lần được ngụp lặn trong nước sông Hằng. Nước sông cũng được cho là có tác dụng chữa bệnh kỳ diệu và được sử dụng cả trong nghi lễ thờ cúng lẫn sinh hoạt hằng ngày. Mỗi năm, hàng triệu tín đồ đạo Hindu hành hương về sông Hằng để tắm rửa trên dòng nước thiêng.
Chính vì điều này mà 2 bên dòng sông trở nên quá đông đúc và nước sông ngày trở nên ô nhiễm hơn, ở một số khúc sông nước đã biến thành màu đen kịt. Sông Hằng không chỉ là dòng sông linh thiêng nhất mà nó bây giờ cũng là dòng sông bẩn nhất thế giới.
Ngược lại với sông Hằng, Ấn Độ còn có một dòng sông trắng như bông tuyết và nó cũng chịu chung một số phận ô nhiễm, đó là sông Yamuna. Bề mặt sông lúc nào cũng có một lớp bọt trắng dày đặc bên trên và nó không tan trong suốt những năm qua.
Yamuna khởi nguồn từ chân dãy Himalaya hùng vĩ và 400km đầu tiên của nó rạng rỡ màu xanh của sự sống; nhưng sau khi chảy qua thủ đô New Delhi, tất cả trở nên khác hẳn. Ở đây, toàn bộ sự trong lành của Yamuna bị hút ra để con người và nền công nghiệp sử dụng rồi trả lại cho nó các hóa chất độc hại và nước thải từ hơn 20 cống thoát lớn với hàng tỷ lít mỗi ngày. Dòng sông trở nên đen ngòm và đầy rác.
Lớp “bông tuyết” này được tạo thành bởi sự ô nhiễm của các nhà máy công nghiệp, nước thải sinh hoạt và có mùi hôi thối rất kinh khủng. Sông Yamuna bị ô nhiễm nặng nề và ngoài sức tưởng tượng của con người.
Mặc dù biết rằng sông Yamuna bị ô nhiễm nghiêm trọng nhưng người dân Ấn Độ vẫn không quan tâm và vẫn xả nước thải xuống mỗi ngày. Thậm chí người dân còn giặt quần áo, tắm và thậm chí rửa rau dưới dòng nước này.
Khách du lịch đến đây đều hy vọng rằng chính quyền thành phố sớm có cách giải quyết tình trang ô nhiễm này, trả sông Hằng trở lại sự linh thiêng vốn có của nó và làm cho nước sông Yamuna trở nên trong vắt như cũ.
Mai Dung (t/h)