Vĩnh Phúc: Phấn đấu đón gần 7 triệu lượt khách du lịch năm 2020
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 12:42, 10/11/2019
ỉnh Vĩnh Phúc có 4 loại địa hình thuận lợi cho phát triển du lịch là: Núi, đồi, đồng bằng và sông hồ, tạo ra một lượng tài nguyên du lịch vô cùng phong phú mà nhiều tỉnh không có. Nhiều năm qua, tỉnh đã sớm khai thác thế mạnh này, đặc biệt nổi bật lên các địa danh du lịch điểm hấp dẫn với cả du khách trong và ngoài nước như Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc, sông Hồng, Sông Lô…
Riêng Quý I năm 2019, tỉnh đã tiếp nhận khoảng 1,7 triệu lượt khách du lịch. Theo dự tính, con số này sẽ đạt khoảng 6 triệu lượt trong năm 2019, trong đó có 43.500 lượt khách quốc tế, đem lại tổng doanh thu khoảng 1.910 tỉ đồng.
Ảnh minh họa
Tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh du lịch và các điều kiện phục vụ khách du lịch tại các khu du lịch cơ bản được đảm bảo; hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch được niêm yết công khai và bán theo giá niêm yết. Thường xuyên phối hợp, tham gia các đoàn kiểm tra do Bộ VH-TT&DL; đoàn kiểm tra do các Sở, ngành trong tỉnh chủ trì kiểm tra các hoạt động du lịch tại địa phương,…
Hiện nay, trong giai đoạn phát triển mới, Vĩnh Phúc đang tập trung phát triển du lịch theo ba hướng chính: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ mua sắm, hội nghị, hội thảo.
Phấn đấu sang năm 2020 đón 6.500.000 lượt khách/năm, trong đó 50.000 lượt khách quốc tế/năm. Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế là 15%/năm, khách nội địa là 20%/năm. Doanh thu, dự kiến năm 2020 đạt 2.600 tỷ đồng/năm tăng bình quân 12,7%/năm. Tạo được việc làm cho 28.500 lao động (tăng 9.000 lao động), trong đó giải quyết việc làm cho 10.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Đội ngũ lao động ngành du lịch qua đào tạo đạt trên 75%.
Để hoàn thành mục tiêu này và du lịch của Vĩnh Phúc phát huy hết tiềm năng thế mạnh vốn có, trong thời gian tiếp theo, các cơ quan chức năng quản lý về du lịch sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về kinh doanh du lịch và liên quan đến hoạt động du lịch do ngành chủ trì được tiến hành thường xuyên, có hiệu quả.
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phục vụ nhu cầu du khách, đặc biệt là ở các khu du lịch trọng điểm: Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải,…. Hệ thống giao thông kết nối các khu du lịch cơ bản được hoàn thiện và thường xuyên bảo trì, hạn chế xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông vào mùa lễ hội.
Các loại hình du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lễ hội – tâm linh; du lịch cộng đồng; du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo; du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch nông thôn,… tiếp tục được phát triển.
Việc đẩy mạnh phát triển du lịch không chỉ giúp Vĩnh Phúc khai thác tốt tiềm năng của địa phương mà còn tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho hàng nghìn người lao động trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực này, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh.
Minh Anh (T/h)