Kiên Giang: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 23:08, 06/11/2019
Đây được xem là ngày hội đón nhận những kiến nghị, đề xuất để đánh thức tiềm năng du lịch.
Tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch 3 vùng: Hà Tiên – Kiên Lương, Rạch Giá – Kiên Hải – Hòn Đất và U Minh Thượng”. Đây được xem là ngày hội đón nhận những kiến nghị, đề xuất để đánh thức tiềm năng du lịch.
Tham dự hội thảo có ông Phạm Vũ Hồng – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Đặng Tuyết Em – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phạm Công Khâm – Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy; Đại tá Đàm Kiến Thức – Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy – Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang; cùng hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư, các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp lữ hành, đại diện các Viện, các hiệp hội và trường đại học đến từ các tỉnh Tây nam bộ cùng tham dự hội thảo lần này.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch
Theo ông Phạm Vũ Hồng – Chủ tịch UBND tỉnh, những năm qua, tỉnh Kiên Giang được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, du lịch, xây dựng Phú Quốc là khu du lịch quốc gia, là trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế, có sức cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, 03 vùng du lịch còn lại là Hà Tiên – Kiên Lương; Rạch Giá – Kiên Hải – Hòn Đất và vùng U Minh Thượng cũng được tỉnh quan tâm đầu tư và tạo điều kiện để phát triển, đặc biệt là sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019 vừa qua.
Tỉnh cũng đã và đang quy hoạch, đầu tư, khai thác tiềm năng của 03 vùng du lịch này trong giai đoạn 2016 – 2020 phân bổ bằng nguồn vốn đầu tư công ước tính 369 tỷ đồng, với 05 dự án. Một số dự án cũng đã hoàn thành và phát huy hiệu quả cao khi đưa vào sử dụng như: Dự án nâng cấp sân bay Rạch Giá, cảng hành khách Rạch Giá, dự án đưa lưới điện quốc gia ra đảo Hòn Tre, đảo Hải Tặc và đặc biệt là các dự án tiến đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu du lịch Mũi Nai, Thạch Động, Hòn Trẹm – Chùa Hang… Hội thảo lần này nhằm đánh giá tiềm năng, thế mạnh, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển du lịch cho 03 vùng trọng điểm về công tác quảng bá, truyền thông; đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; nâng cao chất lượng nhân lực, mở rộng hợp tác, kết nối phát triển tour, tuyến du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng. Hội thảo đã ghi nhận 24 tham luận của các chuyên gia và khách mời, tập trung nêu bật các tiềm năng, thế mạnh, đánh giá thực trạng, đề xuất định hướng, giải pháp phát triển du lịch 3 vùng: Hà Tiên – Kiên Lương, Rạch Giá – Kiên Hải – Hòn Đất và U Minh Thượng.
Tại hội thảo các đại biểu tập trung vào các vấn đề cụ thể, như: công tác quảng bá, truyền thông; đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; nâng cao chất lượng nhân lực, nhằm giúp tỉnh Kiên Giang định hướng và có kế hoạch phát triển 3 vùng du lịch trọng điểm. Nhất là việc đầu tư khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù của từng vùng, từng địa phương. Đặc biệt, 03 vùng du lịch: Hà Tiên – Kiên Lương, Rạch Giá – Hòn Đất – Kiên Hải và U Minh Thượng của Kiên Giang có thể và cần phải phát triển nhiều loại hình và sản phẩm du lịch đa dạng như du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, du lịch hệ sinh thái, du lịch cửa khẩu Hà Tiên, du lịch cộng đồng, làng nghề, du lịch nông thôn. Vùng U Minh Thượng phát triển du lịch văn hóa lịch sử, về nguồn; tham quan, nghiên cứu khoa học hệ sinh thái rừng tràm, các loài chim, dơi Vườn Quốc gia U Minh Thượng; du lịch nông thôn. Liên kết chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm du lịch để nâng cao giá trị, chất lượng du lịch.
Tỉnh cần có chính sách bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ môi trường văn hóa. Môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển sản phẩm du lịch bền vững. Hơn thế nữa, Kiên Giang cần tăng cường cách mạng 4.0 bằng cách thức cụ thể để du khách biết đến du lịch Kiên Giang nhiều hơn, dễ dàng mua sản phẩm dịch vụ đến Kiên Giang thông qua Website, qua kênh đặt chỗ, tuor du lịch… gắn với quảng bá, xúc tiến du lịch Kiên Giang bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, tập trung các thị trường mục tiêu, tiềm năng trong và ngoài nước.
Khách tham quan hòn Phụ Tử huyện Kiên Lương
Cũng trong dịp này, nhiều đại biểu còn thảo luận và mạnh dạn để xuất chính sách ưu đãi của 3 vùng du lịch cũng như quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất kỹ thuật; xây dựng phát triển các sản phẩm truyền thống, đặc thù và sản phẩm mới ở 3 vùng du lịch.
Ghi nhận các ý kiến tham luận đóng góp tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Hồng Vũ đánh giá, tất cả các nội dung tại hội thảo là cơ sở khoa học và thưc tiễn quan trọng giúp Kiên Giang xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch phát triển 3 vùng du lịch Hà Tiên – Kiên Lương, Rạch Giá – Kiên Hải – Hòn Đất và U Minh Thượng, trước mắt từ nay đến năm 2025. Trong quá trình đó, Kiên Giang mong muốn tiếp tục nhận được góp ý, phản biện của các nhà khoa học, nhà quản lý, giới trí thức, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để du lịch Kiên Giang thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong ba trụ cột kinh tế chính của Kiên Giang phát triển nhanh và bền vững.
Quốc Tuấn