Đà Nẵng: Xả thải vượt chuẩn, một lò mổ bị phạt nặng
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:29, 12/07/2016
– Sau một thời gian lấy mẫu đột xuất và tiến hành các bước đo mức độ ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng Đà Nẵng đã xử phạt Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng (khối Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) với tổng số tiền là 270,4 triệu đồng về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường .
Trước đó, đích thân ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cùng lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra đột xuất về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm “nóng” trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Theo đó, đoàn công tác đột xuất này đã kiểm tra tại khu vực cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) và lấy mẫu cá, nước biển tại khu vực. Đoàn kiểm tra đột xuất này cũng tiến hành kiểm tra tại chợ đầu mối Hòa Cường. Đây là chợ đầu mối chuyên cung cấp rau, củ, quả và thực phẩm phần lớn cho TP. Đà Nẵng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng đến kiểm tra đột xuất và lấy mẫu tại khu vực giết mổ ở Đà Sơn (quận Liên Chiểu). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn chưa phát hiện thấy các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đích thân ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cùng lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra đột xuất về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm “nóng” trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong thời gian qua |
UBND TP. Đà Nẵng cũng đã liên tục ra các văn bản yêu cầu các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ đầu mối, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm để xử lý các đơn vị này nếu có vi phạm. Các cơ sở vi phạm có thể sẽ bị xử lý hình sự và cả rút giấy phép kinh doanh.
Sau một thời gian lấy mẫu và thực hiện các các bước đo mức độ ô nhiễm môi trường đối với Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng, cơ quan chức năng Đà Nẵng đã phát hiện cơ sở này xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật vào môi trường. Cụ thể, kết quả kiểm tra lấy mẫu nước tại Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng đêm 20/5, phát hiện vi khuẩn coliform trong nước cao gấp 3.600 lần tiêu chuẩn cho phép trong nước dùng cho các cơ sở chế biến thực phẩm của Bộ Y tế. Trong khu giết mổ bò, đơn vị này không dùng nước máy. Theo Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng, lò mổ này chỉ hợp đồng dùng… 5 khối nước/ngày, trong khi mỗi đêm giết mổ gần 1.200 con gia súc, gia cầm.
UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng phải xây dựng, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải và xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường với thời hạn thực hiện là 5 tháng kể từ ngày nhận được quyết định.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm này xuống cấp trầm trọng, nước thải xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm từ lâu, đặc biệt là nước thải đổ ra sông Phú Lộc rồi ra biển rất nguy hiểm. Ngoài ra, cơ sở này đã bị kiểm tra và xử phạt nhiều lần, đơn vị cũng nhiều lần hứa khắc phục nhưng chỉ hứa rồi để đó.
Đại diện Trung tâm Giết mổ gia súc, gia cầm Đà Nẵng đã nhiều lần hứa trước chính quyền Đà Nẵng sẽ đầu tư hệ thống xử lý nước thải, công nghệ giết mổ và truy suất nguồn gốc gia súc, gia cầm. Nhưng rồi cơ sở này vẫn chây ì kéo dài gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến dư luận bức xúc.
Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở Đà Nẵng chưa ý thức trong khâu bảo vệ môi trường |
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng ra “tối hậu thư” cho Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng trong thời hạn 5 tháng, nếu đầu tư, xây dựng không xong hệ thống xử lý nước thải thì đóng cửa trung tâm. “Một cơ sở lớn, cung cấp thịt heo, thịt bò và gia cầm cho thành phố với số lượng hơn 50% sản lượng mà như vậy là không chấp nhận được. Anh làm gì thì làm, phải bảo đảm môi trường cho thành phố”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Công ty Cấp nước Đà Nẵng thay thế ống nước thủy cục hiện tại 27mm lên thành 100mm cho Trung tâm và buộc Trung tâm này phải sử dụng nước thủy cục 100% để bảo đảm môi trường. Đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung ở huyện Hòa Vang, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ giao Sở NN&PTNT thường xuyên kiểm tra. Nếu cơ sở nào không chấp hành việc bảo đảm vệ sinh môi trường thì sẽ phải đóng cửa; trong đó, giao Chi Cục Thú y phải chịu trách nhiệm thực hiện vấn đề này.
Theo báo TN&MT