Đà Nẵng: Phát triển du lịch bền vững về chất

Môi trường du lịch - Ngày đăng : 10:30, 02/01/2020

Moitruong.net.vn – Ngành Du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh, ngày càng được biết là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn…

Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2015 – 2019 ước đạt 18%. Năm 2019, Đà Nẵng ước đón 8,69 triệu lượt khách tham quan, du lịch, đạt 106,1%  kế hoạch năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn 2015 – 2019 ước đạt 25,7%. Tổng thu từ du lịch năm 2019 ước đạt 30.973 tỷ đồng, tăng 142% so với năm 2015.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, dù TP đã đề ra nhiều giải pháp để phát triển du lịch và đạt được những kết quả tốt, tổng thu du lịch tăng qua từng năm và đóng góp đáng kể vào ngân sách. Tuy nhiên, du lịch đang đối mặt với những khó khăn nhất định về hạ tầng giao thông, sản phẩm mới, cơ chế chính sách, môi trường…

TP tăng cường khai thác và mở rộng thị trường khách du lịch gồm Nga, Ấn Độ, Úc, Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu, Trung Âu; tiếp tục khai thác thị trường Hàn Quốc (thu hút khách công vụ, nghỉ dưỡng, đánh golf), Trung Quốc (tập trung dòng khách chi tiêu cao), Nhật Bản…

Ảnh minh họa

Tốc độ tăng trưởng và phát triển của Đà Nẵng về du lịch rất nhanh và khá vững chắc là do:

Một là, cơ sở vật chất phục vụ du lịch được đầu tư, nâng cấp cả về số lượng lẫn chất lượng. Công tác quy hoạch, đầu tư cho du lịch được quan tâm, thu hút nguồn vốn đầu tư cho du lịch và tạo thuận lợi cho phát triển du lịch, như: xây dựng các tuyến đường du lịch ven biển Nguyễn Tất Thành, đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa; nâng cấp Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, hệ thống các bãi tắm công cộng…

Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch – dịch vụ 9 dự án: Công viên Bách Thảo (Hòa Vang), Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ hành Sơn, Trung tâm mua sắm giải trí ngầm (Ngũ Hành Sơn), Công viên khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi (Hải Châu), Trường quay Đà Nẵng (Hòa Vang), Cầu tàu và bến du thuyền (Sơn Trà, Hải Châu…), với tổng giá trị đầu tư dự án khoảng 10.000 tỷ đồng4 .

Hai là, sản phẩm du lịch thành phố ngày càng đa dạng, chất lượng dịch vụ du lịch được củng cố và nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của du khách với nhiều sản phẩm mới, như: quần thể du lịch sinh thái Bà Nà – Suối Mơ, bán đảo Sơn Trà, các khu du lịch Hòa Phú Thành, Phước Nhơn; Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài… Du lịch văn hóa – lịch sử được khai thác thông qua các tour tham quan các di tích lịch sử, các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và múa Chăm tại bảo tàng Điêu khắc Chăm được định kỳ tổ chức phục vụ du khách.

Ba là, thủ tục hành chính cũng được cải cách rút ngắn thời gian, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; an ninh trật tự được bảo đảm và ngày càng cải thiện về chất lượng dịch vụ, tạo được môi trường sạch đẹp, gây ấn tượng tốt trong mắt khách du lịch.

Bốn là, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trong hoạt động sai phạm được triển khai thường xuyên. Công tác tuyên truyền cho người dân cùng giữ gìn môi trường du lịch Đà Nẵng được quan tâm thực hiện.

Năm là, công tác xúc tiến quảng bá du lịch thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch; Famtrip, quảng bá đến các thị trường quốc tế với quy mô ngày càng tăng về số lượng và chất lượng; tổ chức nhiều sự kiện lớn như: Thi trình diễn pháo hoa quốc tế, thi ma-ra-tông quốc tế, dù lượn quốc tế… Do đó, điểm đến Đà Nẵng đã được nhiều du khách, doanh nghiệp, các tổ chức du lịch, các tạp chí, trang mạng chuyên về du lịch trên thế giới bình chọn và đánh giá cao, từng bước khẳng định thương hiệu của du lịch Đà Nẵng đến thị trường trong nước và quốc tế.

Sáu là, nguồn nhân lực du lịch từng bước được bổ sung và tăng cường qua việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm du lịch với trình độ ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu tăng cao của du lịch cả về vui chơi, giải trí lẫn tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử của Đà Nẵng.

Đầu năm 2019, Đà Nẵng được Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 43/NQ-TW về xây dựng và phát triển địa phương đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, trong đó kinh tế được cấu trúc trên 3 trụ cột chính mà du lịch được đặt ở vị trí hàng đầu. Đây là cơ sở để ngành Du lịch Đà Nẵng tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch TP phát triển, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng trong những năm tới.

Minh Anh (t/h)

Minh Anh (t/h)