Ngày xuân lên Tây Bắc vui hội ném còn

Môi trường du lịch - Ngày đăng : 01:00, 28/01/2020

Moitruong.net.vn – Không ai rõ trò chơi ném còn có từ khi nào, nhưng giờ đây lên Tây Bắc bạn sẽ được hòa vào những vũ điệu ném còn vui nhộn của người Thái, người Mường và người Tày,… trong những ngày hội, ngày xuân.

Xuân đến, đất trời nở hoa, lòng người rộn rã náo nức cùng nhau vui hội.Ném còn là trò chơi được yêu thích nhất, cũng là trò chơi phổ biến nhất mỗi độ Tết đến, xuân về của một số đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc.

Về cơ bản, luật chơi ném còn của các dân tộc giống nhau.Tuy nhiên, qua trò chơi, mỗi dân tộc lại mang một thông điệp, khát vọng riêng.

Lễ hội ném còn

Truyền thuyết về trò chơi ném còn, người Thái ở Mường Thanh (Điện Biên) kể rằng: Ngày xưa, nhân năm được mùa, mưa thuận gió hòa, vua Hùng đóng đô ở Phú Thọ mới mời nhân dân các bộ tộc, bộ lạc về tổ chức lễ hội. Nhà vua mới sáng chế ra trò chơi ném còn để nhân dân cùng vui chơi. Từ đó, trò chơi ném còn rất phổ biến đối với người Thái.Từ truyền thuyết này cũng có thể lý giải vì sao trò chơi ném còn không chỉ rất phổ biến ở vùng cao Tây Bắc mà thỉnh thoảng ta còn thấy ở hội làng ở các làng quê người Kinh ở đồng bằng Bắc bộ.

Nhưng có lẽ, ở vùng cao Tây Bắc cuộc sống của người Thái, người Mường và người Tày gần gũi với thiên nhiên nên trò chơi ném còn trở về đúng nghĩa nguyên thủy nhất. Nó vừa là môn thể thao rèn luyện sức khỏe lại mang nhiều ý nghĩa tâm linh nhân văn sâu sắc.

Hình ảnh những nam thanh, nữ tú mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình cùng nhau tung những trái còn đủ màu sắc, vừa hát đối vui vẻ, để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc về một trong những trò chơi dân gian độc đáo mà ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.

Trò chơi ném còn được tổ chức tại một bãi đất bằng phẳng, người ta đã dựng một cây mai cao từ 9 – 15m làm cột, trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính khoảng 50cm, dán giấy mỏng, một bên màu đỏ, một bên màu vàng tượng trưng cho âm dương.

Ngay từ trước lễ hội, các cô gái khéo tay đã chuẩn bị những quả còn với nhiều múi vải màu xanh đỏ, sặc sỡ được ghép nối với nhau có ý nghĩa tượng trưng cho sự phong phú của vũ trụ. Bên trong quả còn, họ nhồi thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt bông. Những loại hạt này thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở, thóc nuôi sống con người, còn bông cho sợi vải.Dây quả còn được đính từ đáy xuyên qua thân đến đỉnh quả còn tạo thành một dây còn. Dây còn có chiều dài từ 0,50 đến 0,80m; chiều rộng 0,1 đến 0,2 cm. Đặc biệt quả còn, dây còn được đính bằng các chùm tua, mỗi chùm cách nhau từ 5 đến 10cm trông thật đẹp mắt. Tua quả còn được làm từ các mảnh vải cắt nhỏ đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng, ở mỗi mảnh vải có chiều rộng 0,03, chiều dài 0,04 cm, sau đó các miếng vải được khâu lại với nhau tạo thành một chùm tua. Thường quả còn chỉ có khoảng 4 – 8 múi, nhưng với người khéo tay, họ có thể may quả còn với 12 múi gồm 12 màu. Ai cũng muốn có quả còn đẹp nhất để đi tung trong ngày hội.

Quả còn chính là mơ ước của người dân về những hạt giống sẽ nảy nở sinh hoa đất, kết trái. Dây còn với chín tua là những tia nắng, tia mưa cầu mong một tín hiệu tốt lành mưa thuận, gió hòa cho một năm mới mùa màng bội thu. Ngoài ra, người tung quả còn bay cao mang đi cái rủi ro, đau ốm, cái úa vàng héo hon của cây trái. Sau khi lên trời quả còn rơi xuống, người đón còn đón lấy cái may mắn, tốt đẹp, xanh tươi về cái phúc, lộc, thọ cho một năm mới thịnh vượng.

Ngày hội tung còn diễn ra trong không khí náo nhiệt, rộn rã từ sáng mùng một. Trò chơi ném còn không phân biệt lứa tuổi, nên rất nhiều người hào hứng tham gia, mọi người tụ tập đông đúc quây kín sân ném còn.

Mở đầu cuộc chơi là phần nghi lễ, thầy mo sẽ dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu mong cho bản làng bình yên, mùa màng tươi tốt, trâu lợn đầy đàn, mọi nhà no ấm. Sau đó, thầy mo sẽ tung hai quả còn đã được ban phép để mọi người tranh cướp, khai cuộc chơi.

Có nhiều cách ném còn nhưng chủ yếu các dân tộc ném theo 2 cách. Cách thứ nhất là ném qua vòng, nếu ai ném được còn vào vòng treo trên cột thì coi là thắng cuộc, tài giỏi và may mắn cả một năm. Cách thứ 2 chia làm 2 tốp nam, nữ hoặc cả nam, nữ tùy thuộc vào từng hội chơi, một bên ném, một bên bắt còn.Nếu ai bắt trượt còn thì sẽ phải có vật để trao cho người thắng, thanh niên trai gái thường trao cho nhau khăn, mũ, áo, vòng tay coi như vật làm tin.

Quả còn với nhiều múi vải màu sắc sặc sỡ

Các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống tay cầm dây Còn, quay vài vòng khởi động rồi tung lên. Quả Còn bay vút những dây ngũ sắc loè xoè trông rất đẹp mắt. Bên ném, bên bắt những quả Còn lên xuống nhịp nhàng, hòa trong tiếng hò reo cổ vũ, tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp.Các đôi trai gái có dịp giao duyên, tỏ tình gửi gắm tình cảm qua quả Còn. Khi chàng trai thích cô gái nào là họ tung còn cho nhau. Sau đó trao cho nhau những vật kỷ niệm để làm niềm tin.Từ những hội chơi còn ngày Xuân, bao đôi trai gái đã kết duyên nên vợ, nên chồng xây dựng gia đình hạnh phúc.

Tung còn đòi hỏi sức khỏe và sự khéo léo, quả còn sẽ được tung lên cao nhằm hướng vòng còn trên đỉnh cột, quả còn vút qua ngọn cột tre, những dây tua ngũ sắc cũng lướt xòe ra với màu sắc rực rỡ trông rất đẹp.

Quả còn tung lên mang ý nghĩa tượng trưng cho mọi việc buồn, ốm đau, mọi việc xấu sẽ được rũ sạch, thay vào đó là sự ấm no, hạnh phúc. Nếu ném trúng vòng tròn và xuyên thủng làm rơi giấy là âm – dương giao hoà, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu.

Trong tâm linh của người Thái, trò chơi ném còn còn có một ý nghĩa rất đặc biệt. Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái Lò Văn Ín ở Điện Biên cho biết: Quả còn tượng trưng cho dương, còn vòng tròn dán giấy đỏ trên cây sào tượng trưng cho âm. Người Thái chơi ném còn thể hiện ý muốn âm – dương hòa hợp và mang ý nghĩa phồn thực.Chính vì thế, những gia đình hiếm muộn con cái rất hào hứng tham gia ném còn để cầu tự. Khi tổ chức hội thi ném còn, hướng quả còn ném thường hướng về đầu nguồn sông, hay suối chính là hướng về các bản làng người Thái vì người Thái thường sinh sống bên đầu nguồn con nước.

Còn đối với người Mường thì trò chơi ném còn chính là bà mối xe duyên. Người Mường chơi ném còn cũng chia hai đội nam – nữ, nhưng bên nào thua thì phải để lại một vật làm tin cho người thắng cuộc giữ.Nhưng thường người thua bao giờ cũng là các chàng trai. Sau hội tung còn, chàng trai quay lại tìm nhà cô gái (người thắng cuộc) để xin lại vật làm tin trong cuộc thua. Nhưng thực ra, đó chỉ là cái cớ để các chàng trai tìm hiểu và tỏ tình. Để rồi sau đó, cha mẹ đôi bên mới làm các thủ tục: Dạm ngõ, ăn hỏi, cưới xin.

Với người Tày thì trò chơi ném còn mang ý nghĩa cầu mùa.Mở đầu cuộc chơi là phần nghi lễ, thầy mo dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất. Sau phần nghi lễ, thầy mo cầm hai quả còn đã được “ban phép” tung lên cho mọi người tranh cướp, khai cuộc chơi ném còn năm đó. Trước khi khép hội, thầy mo rạch quả còn thiêng (đã được ban phép) lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người Tày quan niệm hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ (âm – dương).

Ngày nay, tung còn vẫn được duy trì ở nhiều bản, làng vào dịp Tết Nguyên đán với ý nghĩa là trò chơi giải trí, giao duyên. Mọi người xếp thành hai hàng hai bên, nhiều khi không có cây tre ở giữa với vòng tròn trên đầu mà đơn giản chỉ tung ở phía bên này qua bên kia. Ngày Tết, họ chơi bắt còn để rồi kết đôi thành vợ, thành chồng để cùng nhau đoàn kết, xây dựng bản làng no ấm. Trò chơi tung còn vừa có tính văn hóa vừa có tính thể thao, rèn luyện sự tinh tế, khéo léo cho người chơi.

Minh Hùng

Minh Hùng