Kiên Giang: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 00:00, 30/01/2020
Theo đó, năm 2020 ngành du lịch tỉnh Kiên Giang phấn đấu thu hút được 650-700 ngàn lượt khách quốc tế và 8,4 triệu lượt khách nội địa, đóng góp từ 9,75% GRDP của tỉnh, đạt 808 triệu USD, tương đương 19.400 tỷ đồng, tăng trưởng doanh thu 31,53%/năm.
Đó là đánh giá của ông Phạm Vũ Hồng, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về sự phát triển của ngành du lịch, với mong muốn có nhiều sản phẩm du lịch “xanh” thân thiện môi trường trong thời gian tới. Bởi, Kiên Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long điều kiện tự nhiên thuận lợi, có đồng bằng, rừng núi, biển và hải đảo với diện tích hơn 63.000km2, hơn 140 hòn đảo lớn, nhỏ. Hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú, quý hiếm… thích hợp với nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, thể thao, mạo hiểm…độc đáo.
Bãi Nhà, Hòn Sơn Rái, huyện đảo Kiên Hải điểm đến du lịch hấp dẫn
Tại Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 16/11/2017 của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; phát triển đồng đều cả bốn vùng du lịch trọng điểm là: Phú Quốc, Hà Tiên – Kiên Lương và phụ cận, Rạch Giá – Kiên Hải và phụ cận, U Minh thượng và phụ cận.
Việc định vị cạnh tranh 5 loại sản phẩm chính của tỉnh Kiên Giang so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL trên phương diện mức độ hấp dẫn của tài nguyên du lịch và khả năng thu hút thị trường khách du lịch. Cùng với đó là 16 định hướng liên kết tuyến, điểm du lịch quốc tế với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt với nước láng giềng Campuchia có đường biên giới trên địa phận tỉnh Kiên Giang bằng cả đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Bên cạnh đó là liên kết các tuyến, điểm du lịch nội địa với các tỉnh vùng ĐBSCL, thành phố Hồ Chí Minh bằng đường thủy, đường không và đường bộ. Dựa vào tiềm năng phát triển, nhu cầu của thị trường, tỉnh sẽ triển khai thực hiện các định hướng phát triển hệ thống sản phẩm du lịch tập trung theo 3 nhóm sản phẩm: Sản phẩm đặc thù, Sản phẩm du lịch chính và Sản phẩm du lịch bổ sung.
Trải nghiệm hái bông súng vùng U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng
Trong giai đoạn 2020 – 2030 tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn bao gồm: Hệ thống giao thông đường bộ kết nối với các tỉnh lân cận theo hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ; hệ thống trục đường giao thông nội tỉnh đến các khu điểm du lịch chính bao gồm: UMinh Thượng, Rạch Giá, Hà Tiên – Kiên Lương và đường thủy ra đảo Phú Quốc, cụm các đảo ở Hà Tiên, Kiên Lương, Kiên Hải; giao thông đường bộ trên đảo Phú Quốc, hệ thống xử lý chất thải và vệ sinh môi trường ở đảo Phú Quốc.
Đồng thời tỉnh cũng quy hoạch và đầu tư xây mới các resort cao cấp 5 sao từ 100 phòng trở lên tại Bãi Khem, Bãi Sao, Hòn Thơm, Vũng Bầu, Rạch Tràm, Mũi Ông Đội (Phú Quốc).Đầu tư xây dựng 1 trung tâm hội nghị – hội thảo hiện đại với 1 phòng họp lớn từ 150 – 200 chỗ ngồi và 2-3 phòng họp nhỏ với từ 30 – 70 chỗ tại thị trấn Dương Đông (Phú Quốc); xây trường đua chó tại Phú Quốc và xin cơ chế cho phép khách được đánh cá cược công khai theo quy định của pháp luật và đóng thuế cho ngân sách. Mở rộng quy mô, nâng cấp chất lượng dịch vụ các cơ sở lưu trú dành cho mảng thị trường khách nghỉ dưỡng biển, các spa có chất lượng trung, cao cấp.
Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia, điểm du lịch tiềm năng ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo; xây dựng một số cảng biển du lịch tại các địa bàn trọng điểm du lịch biển và một số sân bay nhỏ dạng “air – taxi” nhằm tăng cường năng lực kết nối các địa bàn Rạch Giá – Hà Tiên và Phú Quốc; xây dựng khu vui chơi giải trí hiện đại, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, xã hội hóa đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tạo cơ chế thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Đồng thời, Kiên Giang cũng khuyến khích đầu tư vào các dự án phát triển sản phẩm du lịch “xanh” thân thiện môi trường, đặc biệt ở Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn quốc gia Phú Quốc và một số vùng thuộc Khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang.
Chào Xuân
Để du lịch “tăng tốc” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần liên kết lãnh thổ, hợp tác với các cơ quan ban ngành của Trung ương thiết kế các chương trình du lịch, sản phẩm dịch vụ du lịch liên vùng và đặc thù của địa phương. Tăng cường phối hợp trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu điểm đến và sản phẩm du lịch, xây dựng kênh phân phối, chuỗi cung ứng du lịch liên vùng và đẩy mạnh liên kết với các nước trên thế giới, trong khu vực ASEAN, trước mắt với Campuchia, Thái Lan, Singapore… tạo ra các chương trình du lịch mang tính khu vực trong khuôn khổ hợp tác phát triển du lịch tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), Ông Bùi Quốc Thái, phó giám đốc Sở du lịch tỉnh cho biết.
Đến năm 2030 ngành du lịch tỉnh Kiên Giang sẽ thu hút được 1,667 triệu lượt khách quốc tế và 22 triệu lượt khách nội địa; tăng trưởng khách quốc tế và nội địa tăng 10%/năm, đóng góp trên 17,5% GRDP của tỉnh, đạt 4.900USD, tương đương 105.000 tỷ đồng, tăng trưởng doanh thu 18,4%/năm, ông Phạm Vũ Hồng, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, cho biết.
Trương Anh Sáng