Du Xuân miền sông nước
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 09:15, 28/01/2020
Về châu thổ sông Cửu Long ngày Tết, bạn có thể dạo quanh vườn hoa Sa Đéc với ngàn sắc hoa tươi; thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê để được nghe kể câu chuyện tình lãng mạn của một thời xa vắng; thăm thú chợ nổi Cần Thơ để hiểu thêm văn hóa miệt vườn. Những điểm đến kết hợp với văn hóa trầm tích đã tạo nên cái hồn cái cốt của người Nam bộ.
Chợ Tết nổi một nét đặc trưng ngày Tết miền Tây
Chợ Nổi – Nét văn hóa của người Nam Bộ
Ở đồng bằng sông Cửu Long, văn hóa sông nước đã có tự bao đời và ăn sâu vào tiềm thức của con người. Trong đó, chợ nổi trên sông chính là một trong những hình ảnh đẹp và ấn tượng nhất. Miền châu thổ có đến hàng trăm chợ nổi, nhưng có lẽ lâu đời và rộn ràng nhất là chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ.
Dấu hiệu nổi bật của chợ nổi là cách giới thiệu hàng hóa qua cây bẹo. Cây bẹo có thể là cây tầm vông được dựng đứng hoặc gác ngang, trên đó treo những sản vật chủ ghe bán. Riêng những ngày Tết, ghe hoa không cần cây bẹo vì hoa được bày trí khắp mặt ghe với màu sắc sặc sỡ. Vào độ giữa tháng Chạp, đa phần là ghe hoa nên chợ nổi được nhuộm một màu Tết rất lộng lẫy.
Dịp Tết, nhiều ghe xa quê không về được nên ngày 30, họ làm mâm cơm, đặt trước mũi ghe, khấn vái rước ông bà cùng về ăn Tết. Nhiều ghe neo cạnh nhau, cùng tổ chức một cái Tết trên sông thật đầm ấm. Kẻ có gà, người có vịt, cùng nhau chuẩn bị những món ăn ngon, thưởng thức mùa xuân xa xứ. Tuy lang bạt, nhưng đời sống tinh thần của họ lại vô cùng phong phú. Văn nghệ văn gừng với cây đàn guitar phím lõm bập bùng cũng thật ấm cúng.Ngồi bên nhau hát Tình anh bán chiếu, giọng anh Năm, chị Bảy xuống xề nghe mùi đến nức lòng người lữ khách.Khi đó, bạn có thể hòa giọng hát dăm ba điệu xàng xê, uống ngụm rượu đế thân tình được mời bởi tấm lòng cô gái miền sông nước.
Giáp Tết, các gia đình sẽ tổ chức đi chạp mộ để tỏ lòng “uống nước nhớ nguồn” với những người đã khuất. Chiều 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời.
Mâm cúng ông Táo của người miền Tây đơn giản chỉ chè trôi nước, nhang, đèn. Người xưa quan niệm, ngày này ông Táo sẽ về trời trình tấu với Ngọc Hoàng những chuyện xảy ra trong năm cũ nên nhà nào cũng bày lễ trang trọng. Lễ vật tuy đơn sơ nhưng mong ông Táo nói tốt cho gia đình mình với Ngọc Hoàng.
Sau khi cúng ông Táo, mọi người bắt đầu quét dọn nhà cửa, giặt mùng, mền…để chuẩn bị đón Tết. Nhưng làm gì thì mọi người cũng không được quên mồ mả, bà thờ tổ tiên, ông bà.
Người miền Tây quan niệm, con cháu không được quên ông bà, tổ tiên, những người thân đã khuất. Bởi vậy, năm nào mỗi gia đình cũng phải tự tay dọn dẹp mồ mả cho ông bà, tổ tiên, rồi lau bộ lư đồng trên bàn thờ.
Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng chạp) là ngày đưa các vị thần khác về trời (ngày 24 tháng chạp), kế đến là ngày đưa ông bà tổ tiên về trời (ngày 25 tháng chạp). Đối với những người có mộ phần người thân gần nhà thì trước và trong ngày này phải ra mộ phần làm cho sạch gọn: nhổ cỏ, quét lá cây… (muốn sửa chữa lớn phải đợi đến Tết Thanh Minh). Chiều ngày 30 Tết, lại cúng tất niên mời tất cả các vị thần và “rước” ông bà về nhà.
Ngày 30 làm một mâm cơm cúng tổ tiên, gọi là lễ “rước ông bà”.Cho đến khi hết Tết khói hương trên bàn thờ gia tiên lun nghi ngút và sau đó đến ngày mồng 3 tháng Giêng thì làm lễ “đưa ông bà”. Trước giao thừa, các gia đình thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên). Lễ vật cúng giao thừa ngoài hương hoa quả phẩm còn có thêm quả dừa, bánh phồng, bánh tráng con gà trống luộc.
Củ kiệu được ăn cùng với tôm khô tạo nên sự khác biệt, một hương vị rất riêng, chỉ có ở miền Tây sông nước
Mâm cỗ Tết của miền Tây Nam Bộ thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng. Hầu như nhà nào cũng có ba món cơ bản là bánh tét, bánh tráng và nồi thịt kho tàu, dưa cải trong mấy ngày tết. Trong suy nghĩ của người phương Nam, bánh tét tượng trưng cho sự ấm no từ đời này qua đời khác.
Đặc trưng của Nam bộ đó là món bánh tét lá cẩm tím vừa thơm ngon lại vừa thẩm mỹ vì chỉ dành riêng cho những dịp lễ quan trọng của năm mà không nơi nào có được.
Dù giàu hay nghèo, người miền Nam cũng không thể thiếu những món ăn ngày tết truyền thống từ lâu đời. Món thịt kho tàu là thịt ba rọi (ba chỉ) thái to khoảng trên bốn phân nấu chung với một trái dừa xiêm để thịt kho lạt đi, ăn được to miếng. Thịt hầm từ bắp đùi hầm nhừ với vài vị thuốc Bắc. Có thể thêm vào hột vịt luộc gọi là thịt kho hột vịt.Còn có món khổ qua dồn thịt heo rồi hầm như hầm thịt. Các món truyền thống này chỉ cúng và ăn tới chiều mồng hai, sáng ngày mồng ba sẽ cũng và ăn món khác phải như gà, cá.
Mâm cơm cúng tất niên chiều 30 tết, thường quy tụ đủ mặt mọi người thân trong gia đình. Theo quan niệm của người Nam Bộ mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, nên cúng tế, đốt pháo là để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới. Đêm 29-30 là lúc vui nhất, mọi người thức đón giao thừa, ăn uống, trò chuyện… rất huyên náo. Ba ngày tết là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc mừng nhau những điều mới mẻ, tốt lành. Một tập quán phổ biến là trong những ngày đầu năm, mọi người đều chỉ nói ra những lời hay, ý đẹp, gặp nhau chào mừng, hy vọng mọi điều như ý. Bao điều không vui, không vừa lòng năm trước đều bỏ đi.
Tết của người miền Tây cũng không thể thiếu mâm ngũ quả và bình bông dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên. Thường thì mâm ngủ quả là những trái cây to, ngon nhất được hái trong vườn để dâng lên cúng ông bà, tổ tiên. Mâm ngũ quả gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung.
Đến ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 tết trẻ con được cha mẹ chọn cho những bộ quần áo thơm mùi vải mới để đi chúc Tết ông bà. Còn người lớn cũng ăn mặc tươm tất để vui xuân. Mọi người đi hết nhà này lại sang nhà khác, hết xóm này lại sang xóm khác để chúc Tết và uống với nhau ly rượu, ly trà đầu năm. Tết ở miền Tây là vậy, nhộn nhịp nhưng ấm áp trong cái tình làng nghĩa xóm…
Khác với một số nơi trong cả nước, bà con ở miền Tây hay dùng các loại cá khô (thường là khô cá bổi, cá lóc…), tôm khô đãi khách hoặc làm quà biếu nhân dịp Tết. Có lẽ khái niệm “khô ráo” là niềm mong ước của nhiều người miền Tây vì đây là vùng sông nước, năm nào cũng có lũ.
Những phong tục cổ truyền của người mền Tây Nam Bộ vào dịp Tết giờ có lẽ cũng dần dần được đơn giản hơn cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, những nét đặc trưng nhất vẫn được duy trì và trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.
Phương Linh