Lợi dụng dịch Covid-19 Trung quốc thực hiện độc kế “cây bắp cải”, “vùng xám”
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 10:33, 09/04/2020
Bóc mẽ mưu đồ đen tối
Sau một thời gian “giấu tay”, cuối tháng 3 đầu tháng 4-2020, chính quyền Trung Quốc lại bắt đầu thực hiện chiến dịch “cây cải bắp” nhằm mục đích “gặm nhấm từng phần”, “tiến công từng bước”, “lợi dụng đóng chiếm” các vị trí trọng yếu, hoặc ồ ạt xây dựng, lắp đặt các thiết bị quân sự có tầm khống chế biển xa ở các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã đóng chiếm trái phép năm 1974, 1988, 1990, 1992. Hành động này, rõ ràng mưu đồ độc chiếm biển đông không từ bỏ, ngược lại chính quyền Trung Hoa vẫn âm thầm “ném đá giấu tay”. Nói cách khác, Trung Quốc dã tâm thực hiện yêu sách vô lý “đường lưỡi bò 9 khúc”.
Hành động đầu tiên làm cho “biển Đông dậy sóng” phải kể đến Trung Quốc tuyên bố đưa 2 trạm nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp đảo và rạn của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc hoạt động ở Đá Xu Bi và Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi đầu tháng 3. Hành động ấy bị thế giới lên án, Việt Nam phản đối. Thay vì Trung quốc “nhận lỗi” và dừng lại thì rạng sáng 2-4, chính quyền nước này đã điều khiển tàu hải cảnh đâm chìm 1 tàu cá và bắt giữ 2 tàu cá khác của Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của nước ta. Mặc dù, đây là hành động được cho là “cướp biển trắng trợn”, song khi Việt Nam lên tiếng phản đối, thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại hống hách tuyên bố rằng “tàu cá Việt Nam đâm tàu hải cảnh Trung Quốc”.
Lật lại vấn đề “chủ quyền biển đông” và cái gọi là tham vọng “đường lưỡi bò 9 khúc” của Bắc Kinh, năm 2016, tòa án quốc tế đã “bóc mẽ” Trung quốc khi bị Philippines kiện về vấn đề biển Đông. Lúc đó Trung Quốc đã nhận thức được nguy cơ thất bại trong mưu đồ độc chiếm biển Đông nên bây giờ bằng mọi giá tìm đối sách, kế độc mới để “gặm nhấm từng bước”. Thực tế hành động của Trung Quốc, càng minh chứng cho “diệu kế” bành trướng tham vọng vô hình của chính quyền Trung Hoa.
Bộ đội hải quân Trường Sa thường xuyên tuần tra bảo vệ ngư dân Việt Nam đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển trong nước
Kế độc “cây bắp cải” “vùng xám” là gì?
Giới chính trị gia thế giới luôn nhắc tới “kế độc cây bắp cải” của chính quyền Bắc Kinh. Vậy “cây bắp cải” là gì?
“Cây bắp cải” thực chất là “độc kế” để thực hiện chiến lược “gặm nhấm từng phần”, “tấn công từng nấc thang” của Trung quốc. Chiêu thức thực hiện của “cây bắp cải” là dùng những lực lượng chính sau đây:
Thứ nhất: Lực lượng “dân binh”. Đây là lực lượng thường xuyên tràn xuống vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt hải sản mà Trung quốc lu loa là “Vùng đánh bắt truyền thống”. Lực lượng “dân binh” này gồm các tàu đánh cá có vũ trang, tàu nghiên cứu khoa học biển, thậm chí là tàu chở hàng thông thường. Các tàu này chả có gì đặc biệt ngoài vũ khí và binh lính với “biện minh”: “Thực hiện các quyền được pháp luật cho phép trong vùng biển Trung Quốc”.
Tại sao ngư dân đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa lại nhìn thấy tàu đánh cá của Trung quốc nhiều như vậy? Thực chất đây chính là những tàu sắt có vũ trang. Có tàu 500 tấn, số lượng lên đến 300 chiếc. “Dân binh” trong tàu được đào tạo bài bản, nhiều binh lính “núp” dưới vỏ áo “dân binh”. Tàu được trang bị nhiều vũ khí chiến đấu, tiến công và nhiều phương tiện cứu hộ, phòng hộ. Một đặc điểm quan trọng là các tàu này không thực hiện các quy định của luật pháp quốc tế về bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, cũng không thực hiện các hoạt động đánh bắt cá; thay vào đó, thực hiện nhiệm vụ bao vây tàu chấp pháp nước ngoài tại vùng đặc quyền kinh tế của nước đó khi có lệnh từ chính phủ.
Lực lượng thứ hai thực hiện “kế độc” “cây cải bắp” là tàu hải cảnh của Trung Quốc, được hợp nhất từ các lực lượng: Hải giám (CMS), hải cảnh (cảnh sát biển của Cục Quản lý biên phòng – BCD), ngư chính (Cơ quan Đảm bảo thực thi pháp luật ngư nghiệp – FLEC), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc (GAC). Lực lượng tàu này có lượng giãn nước dưới 2.000 tấn, số đông còn lại là tàu có lượng giãn nước nằm trong khoảng 2.000 – 5.000 tấn, được trang bị vũ khí hạng nặng. Trong số này, có 2 tàu hải cảnh lớn nhất là tàu 3901 và tàu 2901, với lượng giãn nước 12.000 tấn, trang bị pháo 76mm cùng 2 pháo 30mm, có bãi đáp chứa trực thăng. Đây là lực lượng hỗ trợ tàu cá và các tàu nghiên cứu khoa học, thăm dò của Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển nước ngoài; đồng thời dồn ép, gây căng thẳng cho tàu cá và tàu thực thi pháp luật của các nước khác. Tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam rạng sáng 2-4 thuộc nhóm tàu này.
Lực lượng thứ ba thực hiện “kế độc cây cải bắp” là tàu hải quân Trung Quốc, sẵn sàng hỗ trợ nếu tàu “dân binh”, hải cảnh bị tấn công. Đây là lực lượng “cốt lõi, chủ lực” của “mô hình” “cây cải bắp”
Ngoài chiến thuật “cây bắp cải” Trung Quốc còn thực hiện chiến thuật “Vùng xám”. Bản chất của chiến thuật này là sử dụng các tàu bán vũ trang hoặc chấp pháp dân sự như tàu “ngư binh”, hải cảnh để quấy nhiễu, dồn ép, bắt nạt các tàu thuyền các nước hoạt động hợp pháp ngay trong vùng biển của nước đó. Đáng lo ngại nhất hiện nay là chính quyền Trung quốc dùng chiến thuật “cây bắp cải”, “vùng xám” dưới chiêu thức “ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển truyền thống” để sẵn sàng gây xung đột vũ trang trên biển. Khi bị phản đối từ nước sở tại, các tàu này thực hiện quấy nhiễu và sẵn sàng kháng cự, thậm chí nổ súng, tấn công.
Đảo Đá Lớn sừng sững hiên ngang giữa sóng nước Trường Sa
Việt Nam kiên quyết phản đối yêu cầu Trung quốc bồi thường thiệt hại
Sự kiện tàu hải cảnh của Trung quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại Vùng biển Hoàng sa và phá hoại tài sản, thực chất là chính quyền Bắc Kinh cho “vận hành” chiến thuật “cây bắp cải” và “vùng xám”. Với các chiến thuật này, rất có thể trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ nhân cơ hội các nước đang tập trung chống dịch Covid-19 để tiếp tục các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong vùng biển Việt Nam.
Đáp lại những hoạt động trái phép của Trung Quốc, với chủ trương đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các quyền của mình theo quy định của luật pháp quốc tế và đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc xây dựng và vận hành 2 trạm quan trắc tại quần đảo Trường Sa, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Việt Nam cũng đồng thời gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để bác bỏ yêu sách chủ quyền sai trái của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc.
Riêng vụ tàu của Bắc Kinh đâm chìm tàu cá Việt Nam hôm 2-4, Việt Nam đã làm các thủ tục cần thiết, yêu cầu chính phủ Trung quốc bồi thường thiệt hại.
Mai Thắng