Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam: Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:23, 27/10/2016
– Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) là một đoàn thể quần chúng, được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở. Hội LHPN các cấp đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hàng triệu lượt phụ nữ tham gia BVMT, thay đổi phong tục tập quán lạc hậu, hỗ trợ phụ nữ về vốn, kỹ thuật với các mô hình BVMT, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Liên quan đến vấn đề này phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc phỏng vấn trao đổi với Bà Nguyễn Thị Tuyết – Phó chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam để có cái nhìn toàn diện hơn về các hoạt động, phong trào của Hội đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Thị Tuyết – Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam
MT&CS: Hội LHPN Việt Nam là một tổ chức chính trị – xã hội, mục đích hoạt động vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ. Xin bà cho biết trong thời gian qua Hội có những phong trào gì, hoạt động gì nổi bật?
Bà Nguyễn Thị Tuyết: Hội LHPN Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước và đoàn kết, vận động, phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội tiếp tục phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, 2 cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và rèn luyện các phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Phong trào thi đua và các cuộc vận động đều nhằm động viên phụ nữ hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của đất nước, thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tiêu biểu có thể kể đến một số hoạt động như:
Nâng cao chất lượng thực hiện chức năng đại diện và vai trò nòng cốt trong vận động xã hội thực hiện công tác phụ nữ và bình đẳng giới
Thời gian vừa qua, các cấp Hội đã đề xuất thành công 119 chính sách giải quyết các vấn đề cấp bách của phụ nữ, tập trung cho một số nhóm phụ nữ đặc thù, góp phần thể chế hoá và hoàn thiện những quy định của pháp luật về bình đẳng giới. Lần đầu tiên Hội đã đề xuất và Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số, chính sách bảo hiểm xã hội cho cán bộ nữ chuyên trách cấp cơ sở, tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ lên 6 tháng,…
Hội đã tiến hành tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực chăm lo tốt hơn cho phụ nữ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ.
Tập trung nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống của phụ nữ để tổ chức các hoạt động đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống; vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Chỉ đạo tổng hợp nguồn lực, kết nối giữa hoạt động dạy nghề, tư vấn nghề với việc hỗ trợ, vận động hội viên tham gia các mô hình kinh tế tập thể theo quy hoạch phát triển của địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường, qua đó tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của nhóm phụ nữ nghèo, quy mô sản xuất nhỏ. Hội tập trung hỗ trợ cho phụ nữ thông qua hộ gia đình một cách đồng bộ, toàn diện với các tiêu chí cụ thể “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân phụ nữ, gia đình và cộng đồng.
Đặc biệt Hội đã luôn đổi mới nội dung cũng như phương pháp hoạt động của Hội trong thời gian qua. Bộ máy Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài thu hút chị em quan tâm và tham gia phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, giúp chị em người Việt trên toàn thế giới kết nối với nhau và với chị em trong nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc.
MT&CS: Được biết Hội có rất nhiều gương điển hình về các chị em phụ nữ vừa có hoạt động phong trào tích cực đồng thời cũng phát triển kinh tế giỏi. Hội làm gì để giúp đỡ hội viên làm kinh tế giỏi?
Bà Nguyễn Thị Tuyết: Với quan điểm là nâng cao quyền năng kinh tế là điều kiện tiên quyết để phụ nữ có thể nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội. Vì vậy, trong nhiệm kỳ này Hội LHPNVN đã có một khâu đột phá được tập trung đầu tư và đã có những chuyển biến rõ nét là vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững. Khâu đột phá này được cụ thể hóa bằng một số các hoạt động như:
Vận động phụ nữ phát huy nội lực, thực hành tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ, Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bước đầu thí điểm các hoạt động gắn kết giữa phát triển kinh tế với thực hiện an sinh xã hội như tiết kiệm để mua bảo hiểm y tế, tiết kiệm để xây nhà vệ sinh,…
Một số gương điển hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế cũng như có các hoạt động phong trào tích cực tiêu biểu như: Tổ dệt thổ cẩm xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, do chị Hờ Thị Dê, dân tộc Mông làm chủ nhiệm, tạo việc làm ổn định cho 46 chị em phụ nữ, có thu nhập ổn định khoảng trên dưới 3,5 triệu một tháng. Tổ chuyên dệt, thêu các sản phẩm thổ cẩm dân tộc Mông, với hơn 20 sản phẩm, nhiều mẫu mã đa dạng. Sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ ở nhiều thị trường lớn. Hay chị Ma Thị Nhã, dân tộc Tày, tỉnh Tuyên Quang. Với quyết tâm tìm hướng đi mới, chị đã vay vốn ngân hàng, trồng rừng kinh tế, thu mua các loại gỗ rừng trồng, xây dựng xưởng chế biến gỗ thành các sản phẩm và xuất khẩu sang nhiều địa phương. Chị đã giúp cho 15 chị em nữ trong thôn có việc làm ổn định. Hàng năm, trừ chi phí, gia đình chị thu nhập bình quân đạt trên 300 triệu đồng,…
MT&CS: Qua tìm hiểu, Hội là một đoàn thể quần chúng, được tổ chức chặt chẽ từ TW đến cơ sở. Hội LHPN Việt Nam các cấp đã tuyên truyền, vận động hướng dẫn hàng triệu lượt phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường. Xin bà chia sẻ mục đích của Hội khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường?
Bà Nguyễn Thị Tuyết: Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là một đoàn thể quần chúng với trên 15 triệu hội viên, có tổ chức chặt chẽ từ cơ sở lên đến trung ương, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ tham gia BVMT, cải thiện cấp nước và vệ sinh, thay đổi phong tục tập quán lạc hậu, hỗ trợ phụ nữ về vốn, kỹ thuật tạo ra nhiều mô hình BVMT, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) luôn được Hội LHPNVN quan tâm. Bằng nhiều cách khác nhau, hội viên phụ nữ đã phần nào làm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề BVMT, hướng đến sự phát triển bền vững.
Với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, Hội LHPN đã luôn thấy rằng được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, không ô nhiễm là quyền của phụ nữ với tư cách một công dân và với tư cách làm mẹ, nuôi dưỡng thế hệ trẻ, nguồn lực tương lai của đất nước. Môi trường sống bảo đảm là điều kiện tiên quyết để mẹ khỏe, con khỏe, từ đó tham gia hiệu quả và phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Hội có nhiệm vụ vận động hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước và bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng, chính phủ và nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay. Phụ nữ có quyền nhưng đồng thời cũng có trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường vì họ vì họ vừa là đối tượng chịu tác động của ô nhiễm môi trường nhưng cũng đồng thời là tác nhân gây xả thải, gây ô nhiễm môi trường nếu không được hướng dẫn, giáo dục đầy đủ. Đặc biệt, Hội có thế mạnh là có mạng lưới rộng khắp cả nước, cán bộ Hội nhiệt tình, gần dân, gương mẫu nên thường được tín nhiệm tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động ở địa phương thông qua các hình thức hướng dẫn cầm tay chỉ việc.
MT&CS: Xin bà cho biết, trong thời gian tới Hội có những hoạt động gì trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, giữ gìn đa dạng sinh học?
Bà Nguyễn Thị Tuyết: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều đóng góp trong các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng. Với vai trò của mình, Hội LHPN các cấp đặc biệt là hội viên phụ nữ đã trở thành những hạt nhân tích cực trong việc bảo tồn đa dạng sinh học thông qua các hoạt động như mô hình tham gia trồng rừng, mô hình nuôi tôm, cua, phát triển du lịch sinh thái có sự tham gia tích cực của Hội phụ nữ tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục tập trung tuyên truyền về các nội dung chủ trương, luật pháp, chính sách liên quan đến môi trường, bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, tại hộ gia đình (thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp tại nguồn trước khi xả ra môi trường), sử dụng tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng, tài nguyên, hưởng ứng các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học; bảo vệ động vật hoang dã…
Đồng thời, các cấp Hội tiếp tục duy trì nhiều mô hình để phụ nữ thực hiện bảo vệ môi trường góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong đó chú trọng đến môi trường sống, hạn chế gia tăng rác thải, tăng cường sử dụng các sản phẩm không gây hại cho môi trường; tiếp tục thực hiện tiêu chí 3 sạch (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) bằng nhiều hình thức phong phú, ở cả cấp độ gia đình và cộng đồng; Nhân rộng những mô hình quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, mô hình phát triển sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu,…
(Theo Thu Hà/ Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)