Nỗ lực vực dậy du lịch
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 00:30, 03/06/2020
Kích cầu du lịch nội địa bằng các sản phẩm giá tốt, chất lượng đảm bảo đang được các doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ bởi đây là xu hướng duy nhất của du lịch nước nhà trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, toàn ngành cũng chuẩn bị điều kiện cần thiết để đón khách quốc tế trở lại. Dù có phần chịu “thiệt thòi” để thực hiện kích cầu, phục hồi ngành du lịch nhưng nhiều doanh nghiệp cam kết sẽ cạnh tranh thu hút khách không chỉ về giá mà cả về chất lượng…
“Thời điểm vàng” cho khách nội địa
Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đã nhanh nhạy đưa ra các sản phẩm hấp dẫn với mức giá được coi là “thấp chưa từng có,” cam kết chất lượng đảm bảo để thu hút khách nội địa. Không chỉ có hàng không, đơn vị lữ hành mà còn có sự chung tay vào cuộc của hệ thống nhà hàng khách sạn, điểm đến, do vậy chương trình kích cầu này có mức giảm giá sâu hơn, nhiều điểm hấp dẫn.
Rất nhiều chuyên gia du lịch cho rằng du khách nên chọn đi du lịch hoặc đặt tour trong thời điểm này bởi giá tour tốt, dịch vụ cao cấp. Thêm vào đó, thời điểm này lượng khách không đông đúc nên du khách sẽ thoải mái tham quan, được các cơ sở lưu trú phục vụ, chăm sóc tốt hơn. Đây đúng là thời điểm vàng để du khách tận hưởng dịch vụ cao cấp với giá tốt chưa từng có.
5 xu hướng du lịch của người Việt sau giãn cách xã hội COVID-19
Xu hướng đầu tiên là nhu cầu của thị trường bắt đầu phục hồi – trên 50% sẵn sàng du lịch trở lại.
Thứ hai là ưu tiên về an toàn và có ưu đãi.
Thứ ba là hầu hết người đi du lịch hiện tại đều muốn du lịch biển và thiên nhiên – 67% muốn đi biển.
Thứ tư là đi tour ngắn ngày, gần nơi mình sinh sống và đi cùng nhóm nhỏ, bạn bè – hơn 70% muốn đi cùng nhóm nhỏ và gia đình.
Thứ năm là xu hướng khách muốn đặt tour trực tiếp với nhà cung cấp, giải pháp số, cụ thể 14% đặt tour qua công ty; 62,1% muốn đi tự túc.
Hành động ngay để vực dậy ngành du lịch
Nhằm khôi phục thị trường du lịch trong nước, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Với thời gian thực hiện từ ngày 1/6 đến 31/12/2020, Chương trình tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn; xây dựng, triển khai các gói kích cầu du lịch có dịch vụ chất lượng, giá hợp lý đi kèm những ưu đãi và cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình du lịch trọn gói hoặc từng phần.
Cùng với đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa trên toàn quốc. Được xác định sẽ triển khai thành hai giai đoạn: giai đoạn một từ ngày 15/5 đến 15/7/2020; giai đoạn hai từ ngày 15/7 đến hết năm 2020, Chương trình đưa ra các nguyên tắc kích cầu là phải bảo đảm an toàn cho du khách, giảm giá nhưng không được giảm chất lượng dịch vụ hoặc giữ giá nhưng tăng thêm dịch vụ cho du khách. Các sản phẩm kích cầu cần chú trọng tính mới, độc đáo, giá thành thấp và có thêm những khuyến mãi đa dạng.
Tại các địa phương, ngành du lịch cũng đang nỗ lực mở cửa trở lại các dịch vụ, khu vui chơi giải trí, quảng bá các điểm du lịch của địa phương để thực hiện chiến lược phục hồi nền kinh tế ngay trong và sau đại dịch COVID-19. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, địa phương cùng sự đồng lòng của các doanh nghiệp lữ hành, ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả khả quan trong thời gian tới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, khôi phục thị trường du lịch nội địa là trước tiên và cũng cần có động thái tiến đến chuẩn bị điều kiện cần thiết, để khi các nước trong khu vực, thế giới kiểm soát dịch bệnh sẽ kiến nghị cho phép mở cửa trở lại với du khách quốc tế.
Hiện Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một quốc gia kiểm soát thành công dịch COVID-19 sớm nhất, được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Đây là một lợi thế cần tranh thủ hiệu ứng truyền thông để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.
Tổng cục Du lịch cũng đã chuẩn bị các kịch bản đón khách quốc tế. Nếu đến thời điểm 9/2020 dịch bệnh được khống chế ở một số thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam, thì ngành du lịch sẽ xem xét kiến nghị Chính phủ nới lỏng các hạn chế. Đồng thời, du lịch Việt Nam tái khởi động hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách quốc tế đến…Những thị trường gần trong khu vực ASEAN và Đông Bắc Á sẽ là những thị trường khách quốc tế đến đầu tiên. Khả năng trong quý 4 sẽ bước đầu có khách quốc tế đến Việt Nam.
Nếu dịch bệnh kéo dài hơn, đến cuối năm sẽ tính đến phương án khác bởi thực tế là đến thời điểm này dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp…
Hồng Anh (t/h)