Kích cầu du lịch miền Tây
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 12:30, 30/05/2020
Năm 2019, Đồng bằng sông Cửu Long đón trên 47 triệu lượt khách. Nhưng 4 tháng đầu năm 2020, ngành du lịch toàn vùng phải đối mặt với nhiều khó khăn, sụt giảm đến hơn 41% về số lượng khách so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu cũng giảm 42%, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng và thu hẹp hoạt động.
Để kích thích và phục hồi các hoạt động tham quan du lịch, kéo khách ta về miền Tây, Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng cần khai thác tốt những lợi thế của vùng so với những khu vực khác, đó là: an toàn, khoảng cách di chuyển gần, giá cả hợp lý, sản phẩm đa dạng và gần gũi thiên nhiên.
Du lịch miệt vườn.
Dựa vào tình hình thực tế từ nay đến cuối năm, ngành du lịch các địa phương trong vùng sẽ linh hoạt thực hiện các giải pháp kích cầu; đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nâng chất và gia tăng tính hấp dẫn.
Chương trình kích cầu du lịch sẽ bắt đầu từ tháng 6 đến cuối năm 2020. Nội dung tập trung vận động và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tăng cường liên kết địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động du lịch. Trong đó, ưu tiên hợp tác, liên kết với TP.HCM, chọn các địa phương, trung tâm du lịch Cụm phía Đông, phía Tây (TP Cần Thơ, Kiên Giang – Phú Quốc, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang) làm trọng điểm, phát huy vai trò các điểm du lịch tiêu biểu và hội viên Hiệp hội Du lịch ĐBSCL. Hiện có 100 đơn vị du lịch đồng hành cùng chương trình, trong đó 57 đơn vị lưu trú, 36 đơn vị dịch vụ ăn uống, 25 đơn vị dịch vụ tham quan, 22 doanh nghiệp du lịch cam kết giảm giá tour và khuyến mãi giảm giá từ 10-50%. du lịch trên tinh thần giảm giá nhưng không giảm chất lượng.
Mai An