Xin ý kiến lập hồ sơ đưa di tích địa đạo Củ Chi vào di sản thế giới

Môi trường du lịch - Ngày đăng : 09:30, 09/09/2020

Moitruong.net.vn – UBND TP HCM vừa đề nghị Bộ Quốc phòng có ý kiến thống nhất về chủ trương lập hồ sơ Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi để trình UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.

Cụ thể, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Quốc phòng có ý kiến thống nhất về chủ trương lập hồ sơ di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi trình UNESCO ghi vào danh mục di sản thế giới.

Sau khi có ý kiến thống nhất về chủ trương của Bộ Quốc phòng, UBND TP sẽ chỉ đạo Sở Văn hóa Thể Thảo TP phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo hướng dẫn của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch.

Theo UBND TP, di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là một công trình khoa học quân sự còn được bảo tồn tốt. Di tích này đáp ứng một số tiêu chí có giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực theo hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới của UNESCO.

Trước đó, ngày 25/5, UBND TP ra công văn về việc hướng dẫn lập hồ sơ di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đệ trình lên UNESCO ghi vào danh mục Di sản Thế giới gửi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Sau đó, cơ quan này đề nghị TP xin ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng về chủ trương này.

Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi có ý nghĩa trong giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền bá kiến thức quân sự, khoa học kiến trúc.

Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (thuộc huyện Củ Chi, TPHCM) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2015 với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và tính sáng tạo.

Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là một trong những căn cứ cách mạng điển hình và có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Nơi đây, các lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Hồng Đào, Trần Hải Phụng… đã sống và làm việc, trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng Sài Gòn – Gia Định.

Địa đạo Củ Chi cũng là nơi các lực lượng vũ trang và nhân dân sinh sống, trú ẩn, tổ chức trận địa chiến đấu đánh địch giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1961-1975.

Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là một công trình khoa học quân sự còn được bảo tồn tốt, với hệ thống đường hầm nhân tạo trong lòng đất có cấu trúc 2 đến 3 tầng thông nhau, với chiều dài khoảng hơn 200km.

Hệ thống đường hầm được xây dựng một cách tinh vi, phức tạp, bí ẩn, có đầy đủ chức năng để sinh sống và chiến đấu, chống lại các phương tiện chiến tranh hiện đại lúc bấy giờ.

Bên cạnh đó, di tích còn ẩn chứa những giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật, đó là những ứng xử quan hệ giữa người với người, giữa người dân với kẻ địch, lưu dấu những bản tình ca và cả những câu chuyện tình yêu, tình đồng chí, tình quân dân…

Ngày nay, Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa, trong truyền bá kiến thức quân sự, khoa học kiến trúc… Nơi đây là một trong những địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Hoàng Lan

Hoàng Lan