Bàn về vấn đề bảo vệ môi trường ở khu vực FDI

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 02:12, 05/08/2016

(Moitruong.net.vn)

Sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc được cả thế giới ghi nhận. Trong thời gian dài, Việt Nam là nước có nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định, đưa chúng ta từ nhóm nước nghèo sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình. Thành tựu to lớn này đạt được có phần đóng góp quan trọng của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, khu vực FDI cũng đã và đang tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được phát hiện gây hậu quả nặng nề cho hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng và làm giảm tính bền vững của tăng trưởng, phát triển kinh tế.

1427940299x9fss2ygd-14273582733881_jpg_pagespeed_ic_dvtwf80mxr_UEKM

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Khu vực FDI ở Việt Nam và vấn đề bảo vệ môi trường

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment, viết tắt là FDI) là hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty nước này vào nước khác bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh; cá nhân hay công ty nước ngoài đó sẽ nắm quyền quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh này. Ở Việt Nam hiện nay, FDI được tiến hành dưới các hình thức kinh doanh: doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh và các hình thức khác.

Cho đến nay, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực mà khu vực FDI mang lại cho nền kinh tế của Việt Nam sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. FDI đã mang đến một phương thức đầu tư kinh doanh mới, có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động; góp phần quan trọng đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế… Tuy nhiên, bên cạnh vai trò tích cực từ khu vực FDI thì nhiều dự án FDI cũng có tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, một số dự án đã và đang gây ra những sự cố môi trường nghiêm trọng:         

Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp FDI chưa tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường khi đầu tư sản xuất, kinh doanh vào Việt Nam. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương: có khoảng 67% doanh nghiệp FDI thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp, ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Báo cáo của Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tại hội thảo: “Giảm thiểu các tác động môi trường của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam” tháng 3/2016: kết quả điều tra 150 doanh nghiệp FDI năm 2011, có 45% doanh nghiệp chưa áp dụng quy trình sản xuất ít phát thải, 69% doanh nghiệp cho rằng họ sẽ không thực hiện quy trình giảm phát thải nếu như đó không phải là yêu cầu bắt buộc, tương tự như thế 57,7% lấy lý do chi phí cao… Trên thực tế, nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động nhưng chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp; hiện chỉ có khoảng 66% trong số 289 khu công nghiệp trên cả nước có trạm xử lý nước thải tập trung. Đặc biệt, tại Đồng bằng Sông Cửu Long có 75% khu và 85% cụm công nghiệp chưa có xử lý nước thải tập trung.

Thứ hai, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam về cơ bản có trình độ công nghệ sản xuất trung bình, tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên, lượng phát thải lớn. Tính đến năm 2015, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đến từ các nước phát triển, có nền khoa học công nghệ hiện đại như: Đức, Pháp, Thụy Sỹ, Mỹ, Canada, Nga… còn khá khiêm tốn mà chủ yếu đến từ châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc… Ngoại trừ các đối tác đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, còn lại về cơ bản có trình độ công nghệ trung bình, hàm lượng công nghệ cao còn rất ít, hiệu quả thấp, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, ít công nghệ nguồn; nguồn vốn FDI chỉ tập trung ở ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ, sử dụng nhiều lao động, vốn lớn nhưng mức độ lan toả công nghệ thấp. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, tính đến năm 2013, chỉ 5% doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp, thậm chí có dây chuyền công nghệ xuất hiện từ những năm 70, 80 của thế kỷ XX; từ năm 2011-2015, dòng vốn FDI tập trung nhiều nhất là lĩnh vực: dệt may, hóa chất, điện tử, giấy, gang thép – tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, từ năm 1988-2013 lĩnh vực cấp nước, xử lý nước thải chỉ có 28/16.000 dự án FDI, bằng 0,2% và chiếm 0,36% tổng vốn đăng ký (710 triệu USD).

Thứ ba, một số doanh nghiệp FDI đã gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm biến đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn và gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Người ta đã đề cập rất nhiều về FDI “chưa sạch” tại Việt Nam liên quan đến vấn đề xử lý nước thải, các khu công nghiệp mở rộng làm diện tích rừng bị thu hẹp, cuộc sống, nơi cư trú của các động vật hoang dã, thực vật đã bị xáo trộn, phá hủy, ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học, tài nguyên nước, thuỷ sản, biến đổi khí hậu và gia tăng ô nhiễm các lưu vực sông… Điểm lại hoạt động của nguồn vốn FDI trong thời gian qua cho thấy một số điểm đen như sự việc Công ty Vedan phá hoại môi trường Việt Nam suốt 14 năm được lấy làm ví dụ điển hình để phân tích về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Việc xả thải không qua xử lý xuống sông Thị Vải, việc trốn nộp phí môi trường suốt nhiều năm của Vedan được cho là một cách tiết kiệm để tăng lợi nhuận của doanh nghiệp mà bỏ qua những quy chuẩn về môi trường. Tiếp sau vụ Vedan, cơ quan chức năng của Việt Nam lại phát hiện thêm một Vedan thứ 2 đó là Miwon – sản xuất bột ngọt tại Việt Trì (Phú Thọ), mỗi ngày xả tới 900 m3 nước thải chưa xử lý ra sông Hồng. Và gần đây nhất, đường ống xả thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh thuộc Tập đoàn Formosa (Đài Loan) với công suất xả thải 12.000m3/1 ngày đêm chứa độc tố phê-non, xy-a-nua,… kết hợp hy-đrô-xít sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel) quá tiêu chuẩn cho phép đã làm khoảng 80 tấn hải sản chết hàng loạt dọc bờ biển 4 tỉnh Bắc miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thiệt hại to lớn về kinh tế – xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống, tư tưởng của nhân dân, gây bức xúc dư luận và nhận được sự quan tâm lớn của tất cả người dân. Tuy nhiên, không chỉ có Vedan, Miwon, Formosa mà ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp bị phát hiện đang ngấm ngầm phá hủy môi trường. Nơi nào tập trung càng nhiều khu công nghiệp thì nơi đó môi trường càng bị ô nhiễm nặng.

Bài học cho Việt Nam

Một là, rà soát và ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Cần phải có một hệ thống quản lý theo ngành dọc thống nhất để có thể quản lý chặt chẽ hơn công tác bảo vệ môi trường ở từng cơ sở, trong và ngoài khu công nghiệp có dự án FDI đầu tư. Các cơ quan quản lý cần cung cấp đầy đủ thông tin pháp luật cho các doanh nghiệp FDI và tư vấn cho doanh nghiệp về thực thi pháp luật môi trường. Ban hành hạn ngạch ô nhiễm, quy định lượng khí thải được thải ra môi trường đối với các doanh nghiệp FDI là bao nhiêu; đồng thời có những chế tài để thu phí, thuế hoặc phạt thật nặng các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. 

Hai là, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với khu vực FDI. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và giữa Trung ương với địa phương trong việc cấp phép và quản lý các dự án FDI, ưu tiên các dự án “xanh”, thân thiện với môi trường. Các Bộ ngành cần nâng cao vai trò trong khâu thẩm tra dự án, có những tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật để ngăn chặn các dự án công nghệ lạc hậu và tác động xấu đến môi trường; kiên quyết không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu có nguy cơ đe dọa ô nhiễm môi trường. Nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, kiện toàn các Sở Tài nguyên và Môi trường ở các tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương; tăng cường thanh tra, kiểm tra và có những hình phạt nghiêm khắc với những doanh nghiệp FDI gây những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường.

Ba là, cấp phép đầu tư hướng vào các dự án FDI “sạch”. Nên ưu tiên chọn những doanh nghiệp FDI từ những nước phát triển có các chuẩn môi trường cao, nơi có qui định chặt chẽ về công tác môi trường; cấp phép cho các dự án FDI có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, như công nghệ cao, cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, dược, công nghiệp sinh học, công nghiệp môi trường và các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, vật liệu mới… Những dự án tiết kiệm nhiên liệu, không sử dụng nhiều lao động giá rẻ cũng nên được ưu tiên… Hạn chế tối đa việc cấp phép cho những lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: giấy, dệt nhuộm, xi măng, thép…, những dự án không phù hợp với quy hoạch phát triển của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến định hướng phát triển bền vững của đất nước.

Bốn là, tăng cường học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển trong thu hút FDI sạch gắn với bảo vệ môi trường. Điển hình trong thu hút FDI sạch trên thế giới hiện nay phải kể đến các quốc gia phát triển như: Mỹ, Canada, các nước Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo,… Các quốc gia này đang nắm giữ “công nghệ nguồn”, công nghệ tiên tiến, hiện đại; đồng thời hệ thống luật pháp của những quốc gia này có những quy định, chế tài rất nghiêm ngặt khi cấp phép các dự án FDI gắn với đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, phát triển ngành công nghiệp ít các bon, công nghệ cao, công nghệ mới (năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, điện gió)…

 FDI là cần thiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam, nhưng không vì thế mà chúng ta trở nên dễ dãi, hạ thấp yêu cầu, tiêu chuẩn trong cấp phép các dự án FDI. Chính phủ và chính quyền các địa phương phải biết dựa trên lợi ích căn bản lâu dài của đất nước, lựa chọn đối tác, dự án phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia, của địa phương, của ngành nghề lĩnh vực nhận đầu tư; phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Việt Nam, không đánh đổi môi trường sinh thái để thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá.

(ThS Hoàng Thị Hạnh – ThS Nguyễn Tuấn Dũng, Học viện Hậu cần – Bộ Quốc phòng)