Rực rỡ phiên chợ Tết vùng cao Tây Bắc
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 13:00, 09/02/2021
Chợ tết vùng cao là nét đặc trưng trong văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số. Chợ tết ở đâu cũng đông vui, tấp nập nhưng chợ tết tại vùng cao Tây Bắc đông và nhộn nhịp đến lạ thường. Người đi chợ tết đông đến mức chợ họp tràn ra cả hai bên đường. Điều để lại ấn tượng là sắc màu của phiên chợ. Những phiên chợ Tây Bắc là nơi hội tụ của nhiều thành phần dân tộc từ khắp các bản, địa phương xuống họp chợ. Sắc màu sặc sỡ của những chiếc váy áo, trang phục của đồng bào các dân tộc làm sắc màu chợ phiên thêm đẹp và quyến rũ.
Từ trên các bản cao, từng đoàn người Mông cùng những chú ngựa thồ hàng xuống chợ trong không khí vui vẻ và khí thế. Tiếng chân ngựa lóc cóc trên đường càng làm cho không gian chợ phiên thêm nhiều âm sắc. Chợ tết vùng cao Tây Bắc hiện ra đúng không khí của những phiên chợ tết quê nơi sơn thẳm. Chính những mặt hàng chỉ có ở ngày chợ tết đã làm nên cái sắc màu đậm chất truyền thống, đậm chất quê của phiên chợ này.
Đa số các mặt hàng bày bán tại các phiên chợ vùng cao Tây Bắc là cây nhà lá vườn
Chợ phiên Bắc Hà
Chợ Bắc Hà là một chợ phiên tại thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai họp vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Chợ nổi tiếng vì còn giữ được vẻ nguyên sơ và mang đậm nét đặc trưng của các dân tộc vùng cao Việt Nam. Du khách sẽ cảm nhận rõ nét qua hình ảnh những người con vùng cao tấp nập giao lưu văn hóa, trao đổi vật phẩm địa phương như thổ cẩm, gia cầm, ngô khoai,… tất cả đều mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng bao niềm vui, phấn khởi của người mua kẻ bán.
Không khí rộn ràng, ai ai cũng khoác lên mình những bộ váy áo mới sặc sỡ đủ màu, khuôn mặt luôn hiện hữu nét cười trên môi, họ xem đây như ngày hội xuống núi, nơi gặp gỡ trò chuyện sau một tuần vắng bóng. Đặc biệt Chợ Bắc Hà là điểm hẹn của những nam thanh nữ tú vùng cao, nơi giao duyên kết bạn, thời khắc kết nối con người với con người lại với nhau. Thật thiếu sót nếu lên Lào Cai mà bỏ qua phiên chợ đặc sắc và vô cùng thú vị này, chợ phiên Bắc Hà hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những thước phim chân thực nhất về cuộc sống miền sơn cước.
Chợ phiên Cán Cấu (Si Ma Cai, Lào Cai)
Chợ phiên Cán Cấu là nét đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Giáy, Mông – Hoa vùng Tây Bắc. Chợ thường họp vào các ngày thứ bảy hàng tuần hoặc những ngày lễ, tết trong năm, đây còn là chợ trâu lớn nhất Tây Bắc với hàng trăm con trâu được giao dịch trong mỗi phiên chợ. Cũng như những phiên chợ khác, từ sáng sớm khi lớp sương mù chưa kịp tan, người dân bản đã thức giấc tự lúc nào, đừng nhịp nối đuôi nhau tiến về phiên chợ với tâm thái hào hứng và rạng rỡ, khung cảnh bình yên, trong veo khiến ai cũng phải thổn thức.
Khi đến chợ phiên Can Cấu ngoài những đặc sản miền núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng đất trời rộng lớn xung quanh, những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau bám vào các dãy núi Tây Bắc hùng vĩ, trùng điệp ngút tầm mắt. Điểm trên bức tranh đó là những cô gái dân tộc má đỏ hây hây, những bài nhạc gọi bạn hay những bà mẹ điệu con trên lưng đến họp chợ, một thế giới mới lạ mở ra trước mắt, thú vị, độc đáo, điều mà bạn chắc hẳn chưa bao giờ thấy ở miền xui.
Khi mặt trời đứng bóng, những chảo thắng cố lớn nghi ngút khói ở góc chợ đã vơi, những vò rượu ngô thơm nồng đã cạn mà câu chuyện vẫn như chưa dứt, trai gái bản chia tay nhau, lục đục kéo nhau về, niềm vui rạng ngời trên gương mặt.
Chợ phiên Tả Sìn Thàng
Chợ phiên Tả Sìn Thàng là 1 trong 2 phiên chợ lùi độc đáo ở huyện vùng cao Tủa Chùa, Điện Biên, cứ 6 ngày 1 phiên, chợ thường họp vào ngày Tý và ngày Hợi. Du khách sẽ được hòa vào không khí rộn ràng khi đến phiên chợ, âm thanh của ngựa xe lóc có, câu chào hỏi thân tình, tiếng cười giòn không ngớt niềm hân hoan, tiếng chào hàng đưa đẩy tan xen lẫn tiếng kèn, tiếng sáo vang vọng, cả khu chợ rợp màu áo rực rỡ màu sắc của các chị các cô, hình ảnh vừa lạ vừa quen, mỗi khoảnh khắc đều mang đến sắc thái, nét độc đáo riêng chẳng thể lẫn đi đâu được.
Tại các phiên chợ luôn hiện lên sự hồn nhiên, mộc mạc trong thói quen của cư dân vùng cao, họ chuyện trò trao đổi như những người thân quen đã lâu, điều đó ánh lên một nét đẹp mà không phải ở đâu cũng có. Tây Bắc yên tĩnh, trầm tư và dịu dàng là vậy nhưng lúc họp chợ lại trở nên đầy sức sống, nên thơ đến lạ kỳ. Sắc màu vùng cao muôn ngã tụ họp về phiên chợ Tả Sìn Thàng đã gây không ít nhớ nhung cho du khách mỗi dịp ghé qua.
Chợ Bát Xát (Lào Cai)
Phiên chợ Tết ở Bát Xát năm nào cũng đông vui dù thời tiết vùng cao vào mùa này lúc nào cũng giá rét. Chợ họp ngay giữa một bãi đất trống bằng phẳng, gió lùa tứ phía nhưng không vì thế mà kém phần tấp nập. Trong một góc chợ rực rỡ sắc màu của những chiếc khăn đội đầu, hay váy áo của những cô gái Mông, người ta tranh nhau mặc cả những món đồ, tấm vải thổ cẩm thêu với đường nét tinh xảo.
Ở một góc khác, người ta bày bán những bó lá dong nếp xanh mướt được xếp thành hình tròn, những bó lạt buộc được chẻ mỏng một cách khéo léo hay những ống nứa bánh tẻ gióng dài dùng để bó giò. Tiếng cười nói, tiếng í ới, tiếng mặc cả rộn ràng cả một góc chợ. Ai ai cũng muốn bán hàng cho nhanh rồi lại tranh thủ đi sắm Tết. Đông khách nhất vẫn là những hàng bán quần áo, giày dép, thực phẩm ngày Tết. Người dân tranh thủ mua bán rồi mời nhau vào quán ăn bát thắng cố, bát phở hay uống chén rượu ngô cho đến say mềm.
Vui nhất là đám thanh niên đến chợ để tìm bạn, ngắm những thiếu nữ dân tộc trong trang phục rực rỡ. Họ thổi khèn môi, tiếng khèn réo rắt như mời gọi bạn tình, làm say đắm lòng người.
Rộn ràng phiên chợ Hà Giang
Chợ Mèo Vạc (Hà Giang)
Ở vùng cao nguyên đá Hà Giang, người ta thường nói đến những phiên chợ lùi độc đáo. Gọi là chợ lùi bởi thay vì 7 ngày mới họp một phiên, người dân ở đây sẽ họp 6 ngày một lần, tuần sau lùi so với tuần trước một ngày.
Chợ phiên thường họp từ 5h sáng cho đến 3 – 4h chiều thì tan. Người xuống chợ đủ các thành phần, người già, trẻ con, trai gái bản đều nô nức. Chợ họp sớm nên để đến được chợ, người ta phải dậy từ 3 hoặc 4 giờ sáng, chủ yếu đi bộ. Có đứa trẻ vẫn say ngủ trong khi được mẹ gùi xuống chợ. Trên lưng những bà những mẹ, quẩy tấu đựng gạo, ngô, tảng thịt lợn… cứ theo nhau xuống núi.
Ngay từ ven đường vào chợ, những sọt cam, quýt vàng óng đã được chất đống, giá từ 15.000 đến 20.000 đồng một kg. Trong chợ bày bán nhiều nhất vẫn là quần áo, thực phẩm, hay hàng đồ chơi cho trẻ con. Mọi người tranh thủ chọn những mặt hàng để phục vụ cho mấy ngày tết. Trẻ con tung tăng nô đùa trong chợ, háo hức khi được mẹ mua cho món đồ chơi, quần áo, hay giày dép mới.
Trong góc chợ, anh thợ cắt tóc với bộ đồ nghề đơn giản luôn tất bật, làm việc luôn tay vì còn nhiều khách đang chờ đợi. Người già, trẻ con, ai cũng muốn có một kiểu tóc mới đón Tết. Chiều về, khi mặt trời dần khuất bóng chợ mới tan. Trên khắp các nẻo đường về bản, du khách dễ dàng gặp hình ảnh người dân dắt ngựa chở lỉnh kỉnh đồ đạc theo những con đường núi trở về nhà.
Quế Anh