Phát hiện thêm nhiều tư liệu mới về kiến trúc Thành nhà Hồ
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 01:01, 26/01/2021
Ngày 25/1, ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, cho biết Trung tâm vừa phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Thành nhà Hồ năm 2020.
Cuộc khai quật đã phát hiện thêm nhiều tư liệu mới góp phần tìm hiểu kiến trúc Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Chính điện và phía Đông thành, phục vụ cho dự án nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc Thành nhà Hồ. Qua đó, tiếp tục khẳng định giá trị to lớn và nổi bật của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.
Theo đó, sau 6 tháng tiến hành khai quật tại 2 hố (có diện tích khoảng 8.000 m), các nhà khoa học, nhà sử học đã tìm thấy được nhiều di vật, cứ liệu quan trọng góp thêm tư liệu mới để phục vụ cho dự án nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc Thành nhà Hồ.
Hố khai quật nằm ở vị trí trung tâm Thành nhà Hồ, mặt bằng hố chạy dài theo chiều Bắc-Nam, chia hố khai quật thành hai bậc cấp khác nhau.
Ở giữa là khu vực cao nhất, dân gian gọi là Nền Vua – là khu vực bậc nền cao trong hố khai quật có diện tích khoảng 20x5m; bậc nền thứ hai nằm thấp hơn khu vực trên khoảng 1m, chạy dài về phía Nam và Tây.
Đây là đợt khai quật khảo cổ học Thành nhà Hồ có quy mô tương đối lớn.
Qua cuộc khai quật, bước đầu phát hiện được 4 dấu tích kiến trúc thời Hồ, 2 lớp kiến trúc thời Lê Sơ (thế kỷ 15) và Lê Trung hưng (thế kỷ 16-17) với các di tích móng cột gia cố, bó nền, nền kiến trúc… cùng nhiều loại hình gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý-Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long, các loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch có in chữ Hán được sản xuất tại Thành nhà Hồ; nhiều mảnh gốm men thời Trần-Hồ và thời Lê Sơ.
Từ cuộc khai quật này, lần đầu tiên các nhà khoa học, khảo cổ học đã nhận diện khá rõ các di tích thuộc nhiều loại hình kiến trúc khác nhau của vương triều Hồ.
Đây là nguồn tư liệu mới, có giá trị lịch sử, văn hóa rất cao, góp phần tìm hiểu kiến trúc Thành nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Chính điện và phía Đông thành.
Đây cũng là cơ sở để phục vụ các dự án nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc Thành nhà Hồ trong những năm tới.
Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ
Ngoài ra, căn cứ vào thư tịch cổ và vị trí của hố khai quật, các nhà khoa học, nhà khảo cổ học có thể dự đoán hố khai quật ở khu vực Nền Vua đã làm xuất lộ một tổ hợp kiến trúc tương đối hoàn chỉnh gồm kiến trúc chính ở trung tâm, phía trước có hai kiến trúc cổng và dấu tích hệ thống hành lang bao quanh; rất có thể đây là một dấu tích kiến trúc quan trọng bậc nhất ở khu trung tâm của Kinh đô nhà Hồ.
Về di vật, vật liệu kiến trúc đã tìm thấy nhiều loại hình gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý-Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long và nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch có in chữ Hán được sản xuất tại Thành nhà Hồ. Đồng thời, quá trình khai quật cũng tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Trần-Hồ và thời Lê Sơ.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam (chủ nhiệm dự án), cho biết cuộc khai quật khảo cổ học Thành nhà Hồ năm 2020 có quy mô tương đối lớn, do vậy lần đầu tiên có thể nhận diện tương đối rõ nhiều di tích kiến trúc thuộc nhiều loại hình kiến trúc khác nhau thuộc Vương triều Hồ tại Thành nhà Hồ. Đồng thời, cuộc khai quật cũng phát hiện thêm một số dấu tích kiến trúc thuộc thời Lê sơ (thế kỷ 15), thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 16-17) minh chứng cho quá trình sử dụng lâu dài Thành nhà Hồ trong lịch sử.
“Căn cứ vào thư tịch cổ và vị trí của hố khai quật, có thể dự đoán hố khai quật ở khu vực Nền Vua đã làm xuất lộ một tổ hợp kiến trúc tương đối hoàn chỉnh gồm có kiến trúc chính ở trung tâm, phía trước có 2 kiến trúc cổng và dấu tích hệ thống hành lang bao quanh. Tên gọi Nền Vua, vị trí, quy mô và bố cục kiến trúc gợi ý có thể đây là một dấu tích kiến trúc quan trọng bậc nhất ở khu Trung tâm của Kinh đô nhà Hồ”- Phó giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín thông tin.
Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản thế giới Thành nhà Hồ, cho biết đợt khai quật này ở hố khai quật phía Đông, dấu tích kiến trúc của Vương triều Hồ, được nối tiếp thêm vào thời Lê sơ và Lê Trung Hưng đã bước đầu nhận diện có 5 đơn nguyên kiến trúc thời Hồ được kết cấu khá chặt chẽ bao gồm 1 kiến trúc chính ở trung tâm có 9 gian, kết hợp với một số kiến trúc có quy mô nhỏ hơn và hệ thống dấu tích hành lang bao quanh được xây cất hết sức quy chuẩn và cẩn thận.
Đây cũng là cơ sở để phục vụ các dự án nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc Thành nhà Hồ trong những năm tiếp theo.
Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ sẽ làm tốt công tác bảo vệ, bảo quản các hiện vật, các hố khai quật, tránh việc làm thất thoát hiện vật và các hành vi xâm hại di sản.
Ngọc Mai