Bắc Kạn: Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm văn hóa truyền thống
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 04:00, 23/06/2021
Thành phố Bắc Kạn có giao thông thuận lợi với Quốc lộ 3 đi qua, các tuyến đường nối với những di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trong và ngoài tỉnh như: hồ Ba Bể (Ba Bể), di tích lịch sử Nà Tu, di tích Đồn Phủ Thông (Bạch Thông); di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng); di tích lịch sử ATK Định Hóa (Thái Nguyên), di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang)… Các điểm du lịch văn hóa tâm linh như đền thác Giềng, Đền Thắm, chùa Thạch Long (Chợ Mới), đền An mã, chùa Phố cũ (Ba Bể)…
Thành phố Bắc Kạn còn có nhiều danh lam thắng cảnh với những thác nước đẹp, nguyên sơ, có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái như: thác Nà Noọc (hay còn gọi là thác Bạc), là thác nước tự nhiên nằm ở chân đèo Áng Toòng thuộc phường Xuất Hóa. Vào mùa nước nhiều, thác như một chiếc khăn lụa trắng mềm mại chảy qua những vách núi và cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật, động vật phong phú… Năm 2010, thác Nà Noọc đã được công nhận là Di tích danh thắng cấp tỉnh.
Bắc Kạn hình thành dòng sản phẩm du lịch sinh thái gắn trải nghiệm văn hóa truyền thống.
Động Áng Toòng, phường Xuất Hóa là hang động tự nhiên, hệ thống hang được chia thành hai tầng. Tầng một, chạy theo hướng Bắc – Nam, có chiều dài 120m, chỗ hẹp, chỗ rộng tạo thành ba động liên tiếp. Tầng hai, chạy theo hướng Đông – Tây, có chiều dài 350m. Toàn tuyến hang là những thạch nhũ đa dạng về màu sắc, độc đáo, phong phú về hình dáng, có chỗ thạch nhũ màu vàng nhạt trông như những dải lụa; chỗ có màu vàng xen trắng được tạo thành từ các kẽ đá rải khắp mặt động; trên trần động, các thạch nhũ chảy xuống như những bông hoa thủy tinh rực rỡ. Động Áng Toòng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh thắng cấp Quốc gia năm 2013.
Tỉnh Bắc Kạn cũng đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm để phát triển du lịch sinh thái gắn trải nghiệm văn hóa truyền thống như: Hỗ trợ cải tạo không gian cảnh quan tại bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch tại Khu du lịch Ba Bể; đầu tư nâng cấp, cải tạo một số tuyến du lịch đi bộ đặc trưng trong rừng nguyên sinh Vườn quốc gia Ba Bể kết hợp với tuyến tuần tra bảo vệ rừng; đầu tư, khai thác phát triển hang Thẳm Phầy, xã Hoàng Trĩ phục vụ phát triển du lịch; đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ đêm và không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống tại bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể…
Thực tế, hoạt động du lịch cộng đồng ở Ba Bể đã có và phát triển mạnh nhất là tại thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu với 100% là đồng bào dân tộc Tày.
Tại Pác Ngòi, phần lớn những ngôi nhà sàn của các hộ dân đều dựa lưng vào núi, hoặc chạy dọc con đường chính, có sàn hướng ra con sông Lèng, ra hồ Ba Bể, tạo phong cảnh non nước hữu tình, thích hợp cho phát triển du lịch.
Khách du lịch đến với Pác Ngòi đều chủ động vào những nhà dân mà họ đã liên hệ từ trước thông qua sự giới thiệu của người quen, qua sự quảng bá của chính các hộ làm du lịch trên mạng Internet hoặc thông qua các doanh nghiệp lữ hành.
Phát triển du lịch sinh thái là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay. Nhu cầu khám phá của du khách về văn hóa vùng miền ngày càng nhiều, đây là hướng đi mang tính bền vững cho việc khai thác sâu tiềm năng, lợi thế của địa phương. Du lịch sinh thái sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống của đơn vị kinh doanh du lịch vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể… mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa, đồng thời, giúp bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy những nét văn hoá.
Minh Anh