Mâm cúng Tết Đoan ngọ gồm những gì?
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 01:30, 03/06/2022
Mâm cúng Tết Đoan ngọ thường có các trái cây mùa hè, cơm rượu nếp.
Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương, Tết giết sâu bọ nhằm vào ngày 5/5 Âm lịch hàng năm. Năm 2022, Tết Đoan Ngọ rơi vào ngày thứ Sáu (3/6/2022 Dương lịch).
Theo truyền thống, vào ngày này, người Việt thường làm mâm cỗ cúng để thể hiện lòng thành dâng lên tổ tiên, thần linh, cầu nguyện một mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại và cầu mong sức khỏe.
Đoan có nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h tới 13h. Do đó lễ cúng Tết Đoan Ngọ nên được tiến hành vào giờ chính Ngọ (12h trưa) ngày 5/5 Âm lịch.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ cơ bản bao gồm:
– Hương, hoa, vàng mã
– Rượu nếp
– Các loại hoa quả (mận, vải…)
– Bánh tro, bánh ú, cơm rượu nếp
– Xôi, chè
Vải hay mận là loại quả gần như bắt buộc phải có trong mâm cúng.
Theo truyền thống của từng miền, vào ngày này, ngoài hoa quả, những món ăn cũng khác nhau. Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm là món phổ biến. Ở miền Trung, thịt vịt là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này. Nét đặc sắc trong lễ cúng Tết Đoan ngọ của người miền Trung, đặc biệt là người gốc Huế, thì không thể thiếu món chè kê.
Truyền thống của người miền Nam, bánh ú là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này trong mâm cỗ diệt sâu bọ. Tùy theo quan niệm của từng vùng, gia chủ có thể lựa chọn các món sản vật dâng cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết Đoan ngọ khác nhau. Tuy nhiên phải đảm bảo đủ các lễ vật chính.
Minh Hoa