Xuân về trên đảo Sinh Tồn

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 16:06, 15/02/2016

(Moitruong.net.vn)

Trong chuyến chuyển hàng Tết ra đảo, khi biết trong “hải lộ” của mình sẽ được đặt chân lên đảo Sinh Tồn, tôi không thể không háo hức, bùi ngùi, xúc động. Những câu thơ mà Nhà thơ Thần đồng Trần Đăng Khoa cách đây 34 năm lại hiện lên trong tôi. Tôi nhớ nhất đến câu thơ “… Dù chẳng mưa chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt biển. Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão…”. Những câu thơ này được viết nói về cảnh chờ mưa, khát khao những “giọt lệ trời” của cánh lính cũng như tâm trạng nhà thơ – người lính Trần Đăng Khoa lúc bấy giờ. Sau 34 năm, Sinh Tồn giờ không chỉ có lính “sinh tồn trên đại dương gió bão” mà còn có dân sinh tồn trên gió bão đại dương.

SinhTon1

Nhờ sự đầu tư nên cơ sở vật chất để phục vụ người dân đã được kiên cố hóa trên đảo Sinh Tồn

Tết năm thứ 7 của gia đình công dân trẻ

Trong tổng thể các hộ dân đang sinh sống trên đảo Sinh Tồn những ngày Tết này, ấn tượng tôi nhất ấy vẫn là gia đình trẻ Bùi Đình Khải. Thấm thoắt, xuân này là xuân thứ 7 anh và gia đình đã có mặt và trở thành công dân của đảo. Từ thuở ban đầu đầy bỡ ngỡ, nay gia đình anh đã trở thành người có “lon số”, với một cuộc sống đầy thích nghi và đầy yêu mến. Bên “thềm xuân”, khi tâm trạng người ta nhớ về người thân quen và nhớ đất liền nhất, tôi hỏi Khải thì anh cho biết: Em xác định là gắn kết đến cuối đời với Sinh Tồn thôi. Vì Sinh Tồn không chỉ là quê hương thứ 2 của em mà còn là nơi hai đứa bé nhà em đã trưởng thành, lớn lên ở đây. Gia đình em và các con em đã mang ơn hòn Đảo này, vậy mình phải có gì để đền đáp lại nó. Mà sự đền đáp này không có gì hơn là việc ở lại.

Khải sinh năm 1983, quê ở phường Hương Xuân, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Năm 2006, khi bước vào tuổi 23 Khải lấy vợ. Tuy là người thành phố, làm công tác đoàn nhưng cuộc sống của vợ chồng Khải cũng không lấy gì làm dư giả. Trước khi ra Sinh Tồn, lương trong đất liền của Khải khoảng gần triệu bạc, vợ không việc, tiền thuê nhà mỗi tháng “đốn mất” 200 nghìn. Vậy nên cuộc sống hai vợ chồng quay quắt vô cùng.

Năm 2008, trong phong trào ra đảo lập thân và lập nghiệp, suy tính cùng gia đình, Khải đã có quyết định táo bạo là đưa cả gia đình “vượt sóng, ra khơi”. Là 1 trong 21 hộ dân đầu tiên ra Trường Sa đợt ấy, gia đình Khải được phân ra Sinh Tồn. Khải vẫn nhớ như in ngày đặt chân lên Sinh Tồn, ấy là ngày 9/4/2008. Khải bảo, thú thật ở đất liền, tuy khốn khó nhưng nó đã quen. Vậy nên những ngày đặt chân lên hòn đảo “giữa trùng khơi sóng vỗ” này Khải và gia đình cũng không khỏi bỡ ngỡ và khó có thể thích nghi được. Thế nhưng may mắn là Khải và gia đình cũng như các hộ dân khác đã có một chỗ dựa tinh thần để mà lạc quan bám đảo, đi lên và sinh sống ấy chính là nhờ sự động viên của anh em cán bộ, chiến sỹ ngoài này.

24/24 giờ trong ngày, rỗi việc quân, ngơi tay súng lúc nào là họ lại tìm đến động viên, giúp đỡ gia đình anh. Tình cảm quân dân, đất lạ, đảo xa dần hóa quê hương. Ngày tháng nhanh qua, lính và dân đã như anh em một nhà, nên những ý định quay vào bờ đã dần trở lên vô nghĩa với lý do tình người đã đọng lại. Khải cũng như các gia đình khác đã thích nghi, xác định Sinh Tồn là quê hương thứ 2 của mình. Mãi mãi gắn bó, mãi mãi vương vấn, lưu luyến và không thể dời xa được nữa.

Nhờ sự giúp đỡ của đất liền, của cán bộ chiến sỹ ngoài đảo, giờ gia đình Khải cũng như bao hộ gia đình khác đã có một mái nhà, một chỗ ở ổn định cho gia đình mình. Riêng gia đình Khải đã được nhận 1 nhà với diện tích tổng thể 90m2 gồm 2 phòng nghỉ và 1 phòng khách. Ngoài phòng ở, gia đình anh cũng có một bếp đun riêng, các công trình vệ sinh đều tự hoại theo tiêu chuẩn.

Giờ Khải cùng vợ con đã mang “mác” người Sinh Tồn 100% rồi. Khải bảo, mỗi khi về đất liền, anh cũng như người thân đều rất tự hào về “thương hiệu” này. Riêng người cha già trong đất liền của anh còn tự hào hơn nữa. Mỗi khi khách đến nhà hay mỗi khi đi thăm bạn bè, câu đầu tiên mà ông cụ thường mang ra “khoe” ấy là: Con tôi và gia đình nó đang ở Sinh Tồn đấy.

Từ một cuộc sống đầy bỡ ngỡ dạo nào, nay Khải đã là công dân đảo xa của biển. Cũng tay lưới, tay câu thạo như ai để “cưỡi sóng” mà khai thác hải sản để kiếm thêm thu nhập trong gia đình. Ngoài “chức năng” ngư dân Khải và gia đình còn được coi là người mát tay của đảo. Hơn chục loại rau xanh được đưa ra, dưới bàn tay chuyên cần của anh cùng vợ con đều vượt qua tất cả mọi nghiệt ngã của biển mà vươn ngọn lên trời. Một cuộc sống dân sinh đang được anh và các gia đình chung tay “chụm lửa” trên hòn đảo được coi là nghiệt ngã và xa xôi có tên Sinh Tồn.

Tình người đảo xa

Cũng giống như nhiều đảo khác nằm trong Quần đảo Trường Sa của nước Việt, cái khó khăn đầu tiên và muôn thuở ở đây vẫn là nước ngọt. Nhưng với chiến lược kinh tế biển đã được xác định, với sự đầu tư và chăm chút của đất liền thì những năm gần đây vấn đề về nước ngọt đã được khắc phục cơ bản. Tuy không có nguồn nước ngọt tự nhiên như ở đảo Trường Sa lớn, nhưng với việc xây dựng các bể ngầm chứa nước nên chuyện nước ngọt cho sinh hoạt hàng ngày ở đây đã được khắc phục.

SinhTon3

Quà Tết ra đảo

Theo ông Chủ tịch xã đảo Sinh Tồn Trịnh Công Lý lạc quan cho biết: Tuy chưa gọi là dư dả, nhưng với sự quan tâm của đất liền, không chỉ cuộc sống đời thường mà ngay cả khi Tết đến Xuân về, Sinh Tồn cũng không khác mấy đất liền. Cũng bánh chưng, cũng giò chả, cũng quất, cũng mai, cũng hái hoa dân chủ và chúc Tết. Năm nay, khủng hoảng kinh tế và khu vực, đất liền kiệm chi tiêu nhưng với tấm lòng dành cho biển cả và hải đảo nên Xuân đây cũng rôm ra trò. Có thể coi là không bị thiếu thứ gì.

Từ một xã đảo thiếu nước, nhất là vào những ngày đầu Xuân này, nhưng với số tiền đầu tư xây bể chứa, bể trữ thì số bể ngầm hiện có của Sinh Tồn, nước ngọt ở đây đã đảm bảo đến mức tối thiểu cho dân và cho lính sinh hoạt. Ngoài việc có nước ngọt để dùng, người dân ở đây còn có thêm nước ngọt để tưới cho cây trồng. Có nước ngọt và chủ động được nước ngọt, đảo sẽ đa dạng thêm về các loại thực vật, làm phong phú thêm chủng loại cây trồng ngoài các cây truyền thống như phong ba, bàng vuông.

Ngoài các hộ gia đình ra đảo lần đầu tiên, với một cuộc sống được khẳng định và được đưa tin từ đảo về, rồi qua những lần người đất liền ra thăm người ở đảo, một cuộc sống thực tế hiện hữu nơi đây đã hấp dẫn không ít gia đình trẻ. Hàng năm đảo tiếp tục đón nhận những công dân từ đất liền tiếp theo tự nguyên ra đảo. Sinh Tồn ngày một ấm áp thêm bởi những cư dân và những mái nhà, xanh thêm những vườn rau và cây trái.

Xuân này cũng là Xuân thứ 4 Trần Quang Thành và gia đình bám biển và có những cái Tết ấm cúng cùng người dân và chiến sỹ nơi đầu sóng này. Thành sinh năm 1970, người ở Thành phố Nha Trang, ra biển, ra Sinh Tồn bằng tiếng gọi tha thiết của biển. Thành bảo, trước ở đất liền mình cũng đi biển. Nhưng do ngư trường trong đó chật chội, lại thêm sự cạn kiệt của thủy hải sản nên thu nhập cũng hẻo lắm. Ra ngoài này, môi trường phong phú, cá tôm đánh bắt được nhiều công việc cũng thuận lợi hơn. Trước đây mỗi lần ra được đến đây để đánh bắt cá thì thời gian phải là cả tháng. Nhưng nay ra đây ở, “nhà” tự dưng gần biển hơn, sáng đi, chiều có thể về với vợ con. Vừa gần gũi, lại đỡ phải chi phí cho những lần đi biển dài ngày như trước kia.

“Theo chân” Thành, gia đình anh cũng vượt sóng ra đây. Cuộc sống nhanh chóng được thích nghi, con gái anh, cháu Trần Thị Thu Hiền ngoài giờ cắp sách đến trường cũng có thêm thời gian để giúp đỡ cha mẹ làm kinh tế ở nơi cách đất liền đến trên 300 hải lý này. Hiện tại, ngoài việc bám biển để khai thác thủy hải sản thì nhà anh còn tăng gia sản xuất. Ngoài trồng rau còn là cả việc nuôi gia súc, gia cầm. Nhìn đàn vịt, ngan nhà anh lúc lỉu đi lại trong vườn, một cảm giác đất liền hóa đảo đã hiện hữu và hoàn toàn thuyết phục được tôi cũng như mọi người. 

“Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn. Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy. Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy. Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi. Ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời…Chúng tôi không cạo đầu để tóc lên như cỏ”, những câu thơ gợi cảnh khao khát và cô đơn của những người lính đợi mưa trên đảo Sinh Tồn 34 năm trước bỗng trở thành hoài niệm trong tôi khi chính mắt mình chứng kiến mùa Xuân đang về nơi đảo tiền đồn này. Những vần thơ mong đợi đầy đoán định về tương lai của nhà thơ Trần Đăng Khoa thuở nào: “ Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên. Đảo xa khơi sẽ hoá đất liền” đang hiện hữu cùng một mùa Xuân nữa đang đến với Sinh Tồn!

(Theo Môi trường và Cuộc sống)

(Theo Môi trường và Cuộc sống)