Những người đưa nghệ thuật vào sản phẩm truyền thống
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 10:11, 19/12/2016
– Chị Nguyễn Thảo Vân và chị Nguyễn Thu Anh cùng con gái Hồ Diễm Kiều Mi (16 tuổi) và đã tạo nên Art4L với mong muốn bảo tồn các môn nghệ thuật truyền thống và truyền tải những thông điệp về cuộc sống.
Art4L là viết tắt của Art – Live – Laugh – Love – Listen to the art of peace (Nghệ thuật – Sống – Cười – Yêu – Lắng nghe nghệ thuật hoà bình) đã được chị Thu Anh nung nấu từ lâu và đến bây giờ mới có cơ hội phù hợp cho một dự án của chị cùng con gái nhằm đưa nghệ thuật vào các sản phẩm truyền thống.
Chị Thu Anh (trái) và Kiều Mi (phải) cùng những sản phẩm của Art4L.
Khởi đầu từ bảo tồn Quan họ
Nhận thấy giới trẻ ngày càng xa dần với các môn nghệ thuật truyền thống như Ca trù, Quan họ, chị Nguyễn Thu Anh mong muốn xây dựng câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống nhằm thu hút mọi người đặc biệt là các em nhỏ.
Và mong muốn đó đã nhanh chóng biến thành hành động khi chị gặp Thầy Nguyễn Hiếu Đức, một người con của miền đất quan họ Bắc Ninh cũng ấp ủ ước muốn truyền dạy lại môn nghệ thuật đang ngày một phai nhạt dần.
Chỉ sau một buổi gặp gỡ, chị Thu Anh và Thầy Đức đã quyết tâm mở một lớp Quan họ dành cho các bé tại khu đô thị Ecopark (Hưng Yên), nơi chị Thu Anh sinh sống. Và cũng vô cùng bất ngờ khi phụ huynh của các bé tại đây rất nhiệt tình ủng hộ.
Có bé yêu thích, đòi bố mẹ mua cho quần áo quan họ.
Cứ đều đặn tối thứ 6 hàng tuần, thầy Đức lại đi xe máy từ Bắc Ninh lên Ecopark dạy các bé làn điệu quan họ. Thầy Đức tâm sự: “Quan họ đã ngấm vào trong tôi từ bé theo những làn điệu, tôi cố gắng phát huy những gì đã được ông bà, bố mẹ để lại. Tôi đồng ý ngay khi nhận được lời mời của chị Thu Anh để cùng nhau bảo vệ Quan họ.”
Thầy Đức hạnh phúc vì đã đóng góp được phần gìn giữ những làn điệu Quan họ.
Được biết chi phí mỗi buổi dạy chỉ đủ cho thầy Đức đi lại tuy nhiên thầy luôn nhiệt tình, vui vẻ, thậm chí có lần con ốm thầy vẫn cố gắng lên lớp.
“Tôi muốn tạo một môi trường cho các em từ bé, các em khi đã thích thì như cá gặp nước, sẽ theo Quan họ mãi và như vậy những giá trị truyền thống sẽ không bị mai một.” Chị Thu Anh chia sẻ.
Đưa nghệ thuật vào sản phẩm truyền thống
Tình cờ khi tổ chức lớp Quan họ, chị nhận ra những chiếc nón quai thao được các liền chị sử dụng khi hát quan họ có những nét đẹp rất đặc biệt, nếu có thể trang trí để không chỉ những chiếc nón quai thao mà cả những nón lá, nón quai thao truyền thống bình thường được tô điểm, họa tiết thêm thì giá trị nghệ thuật sẽ được nâng lên.
Cũng chính lúc này, đại sứ quán Mỹ tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”, nhận thấy đây là cơ hội để có thể truyền bá những nét đẹp của văn hoá truyền thống tới giới trẻ và các bạn bè quốc tế, chị Thu Anh cùng con gái – Hồ Diễm Kiều Mi và chị Nguyễn Thị Vân (trưởng nhóm Nghị lực sống) đã thành lập nhóm Art4L để tham gia cuộc thi với sản phẩm là những chiếc nón Việt Nam được trang trí nghệ thuật và ẩn trong đó là ý nghĩa thời sự.
Diễm Mi cùng chị Vân sáng tạo tác phẩm trên nón truyền thống. (ảnh nhân vật cung cấp)
Chỉ trong vòng chưa tới 1 tuần, nhóm Art4L đã đưa hình ảnh những người nắm tay nhau với sáu màu sắc tượng trưng cho người đồng tính nhằm truyền đi thông điệp ủng hộ người đồng tính tại Việt Nam thông qua chính chiếc nón Việt Nam. Nhờ việc truyền tải thông điệp qua nghệ thuật và sản phẩm truyền thống cũng như tạo việc làm cho người khuyết tật, nhóm Art4L đã vào vòng chung kết và nhận được giải vinh danh.
Chia sẻ về cuộc thi, em Kiều Mi cho biết:” Điều bất ngờ nhất với nhóm Art4L đó là ngài đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius là một người đồng tính và đặc biệt quan tâm tới quyền của người đồng tính tại Việt Nam. Lúc đầu nhóm đề ra mục tiêu là bảo tồn văn hoá, truyền thống thông qua nghệ thuật, nhưng sau cuộc thi nhóm nhận ra không chỉ bảo tồn mà còn có thể truyền tải những thông điệp tới mọi người.”
Chiếc nón đạt giải của Đại sứ quán Mỹ.
Sau cuộc thi, Art4L đã thu hút thêm nhiều người khuyết tật, các hoạ sĩ, người làm nghệ thuật cùng tạo nên những chiếc nón độc đáo và đầy ý nghĩa, cùng với đó, Art4L cũng mang những tác phẩm nón đi tham gia các triển lãm và đem bán đấu giá.
Tất cả lợi nhuận thu được, Art4L sẽ dùng để giúp đỡ các tài năng nghệ thuật truyền thống và phát triển Art4L, chị Thu Anh cũng cho biết: “Tôi muốn mọi người mua nón vì vẻ đẹp nghệ thuật chứ không phải vì làm từ thiện. Tôi muốn các tài năng nghệ thuật có đầy đủ điều kiện để phát huy hết khả năng.”
Không chỉ những chiếc nón truyền thống được tô điểm mà hiện nay Art4L còn tô điểm cho các nhạc cụ truyền thống như trống, đàn.
Các thành viên trong nhóm Art4L đang tô điểm thêm cho những sản phẩm truyền thống
Các tác phẩm đều mang trong mình những thông điệp ý nghĩa
Bên cạnh dự án đưa nghệ thuật vào các mặt hàng truyền thống, Art4L đang tiếp tục với một dự án có quy mô lớn hơn. Chứng kiến hàng chục nghìn chai nhựa vứt dưới đất sau lễ hội âm nhạc tại Ecopark, Kiều Mi không ngừng suy nghĩ liệu có thể làm gì với những chai nhựa, nắp nhựa bị lại thế kia. Art4L cùng một số các bạn trẻ đã tập hợp để kết hợp những chai nhựa với các mặt hàng truyền thống và thậm chí tạo những hàng rào nghệ thuật bằng vỏ chai nhựa để phục vụ cho các lễ hội.
Hồng Hạnh