Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường: “Không ngừng nâng cao năng lực kiểm định, giám định về môi trường”
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:44, 24/01/2017
– Năm 2016, là mốc son đáng nhớ của lực lượng cảnh sát môi trường, khi cảnh sát môi trường (CSMT) tròn 10 tuổi. Đối với lực lượng non trẻ, khi mới thành lập còn thiếu thốn trăm bề, nhưng những cán bộ, chiến sỹ lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường(C49) đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ và đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng nhân dân. Nhiều vụ xả thải chất thải của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cộng đồng được C49 phát giác. Từ đó đã tác động không nhỏ vào việc thay đổi hành vi của các đối tượng gây ô nhiễm môi trường. Nhân dịp đầu xuân Đinh Dậu 2017, Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có buổi phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý – Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường về những kết quả đạt được cũng như khó khăn của lực lượng CSMT trong năm qua.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý – Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường
MT&CS: Năm qua, Cục Cảnh sát môi trường đã lập được nhiều chiến công, xin ông có thể cho biết những kết quả mà C49 đạt được trong năm 2016?
Ông Nguyễn Xuân Lý: Năm 2016, Cục Cảnh sát môi trường đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát, tập trung triển khai các kế hoạch, biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an tổ chức tổng kết 10 năm công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; Ban hành các kế hoạch chỉ đạo và hướng dẫn lực lượng Cảnh sát môi trường tổ chức đấu tranh hiệu quả theo các chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp, những vấn đề nóng về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm gây bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt là 3 đợt tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đại biểu Quốc hội rất quan tâm.
Kết quả trong năm 2016, lực lượng Cảnh sát môi trường toàn quốc đã phát hiện 17.622 vụ, tăng gần 28% so với năm 2015. Đã xử phạt VPHC trên 12.000 vụ với số tiền gần 200 tỷ đồng. Chuyển cơ quan điều tra khởi tố 200 vụ, 313 đối tượng. Trong đó riêng C49 phát hiện 314 vụ, phạt tiền trên 26 tỷ đồng; Đề nghị cơ quan điều tra khởi tố nhiều vụ án lớn về tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm, tội phạm hủy hoại rừng, đặc biệt là là góp phần quan trọng trong công tác điều tra, làm rõ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm nghiêm trọng biển miền Trung.
Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường phía Nam phối hợp với Công an Đồng Nai đến bè nuôi cá ngư dân ghi nhận sự việc
MT&CS: Năm 2016, C49 đã phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, bắt quả tang nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật về môi trường, tuy nhiên vẫn chưa thấy C49 khởi tố một trường hợp nào?
Ông Nguyễn Xuân Lý: Mặc dù đã phát hiện một số doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật về môi trường, nhưng C49 chưa trực tiếp khởi tố trường hợp nào chủ yếu là do một số nguyên nhân khách quan sau đây:
Thứ nhất: Do các quy định hiện hành của pháp luật hình sự. Các tội phạm về môi trường tại Chương 17 Bộ luật hình sự năm 1999, ngoài các tội liên quan đến lĩnh vực bảo vệ rừng và động vật hoang dã đã có văn bản hướng dẫn, còn các tội khác về gây ô nhiễm môi trường chưa có văn bản hướng dẫn các tình tiết định tính, định lượng (thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, hậu quả nghiêm trọng, ô nhiễm nghiêm trọng…) nên không áp dụng được trong thực tế. Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật hiện hành thì doanh nghiệp (tức pháp nhân) không phải là chủ thể tội phạm nên không thể bị khởi tố.
Thứ hai: Theo quy định của pháp luật về điều tra hình sự và tố tụng hình sự thì Cảnh sát môi trường là cơ quan khác thuộc lực lượng Cảnh sát trong CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, không phải là cơ quan điều tra chuyên trách. Vì vậy, đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Cục phát hiện, lập hồ sơ và chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền để quyết định việc khởi tố, điều tra, như vậy sẽ thuận lợi hơn trong quá trình tố tụng vụ án.
MT&CS: Vậy muốn khởi tố được các đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường thì cần những điều kiện gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Lý: Vừa qua Quốc hội đã thông qua Bộ luật hình sự năm 2015, với những thay đổi căn bản về xử lý hình sự, trong đó một số điểm đáng chú ý là: pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự (bao gồm các tội phạm về môi trường); các tội phạm về môi trường được quy định cụ thể, chi tiết hơn, khắc phục được những bất cập trong bộ luật cũ như đã nói trên. Những thay đổi này sẽ là cơ sở để xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về môi trường. Tuy nhiên hiện nay Bộ luật hình sự 2015 đang được hoãn thi hành và Quốc hội đang xem xét, sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, một mặt, phải không ngừng nâng cao năng lực công tác kiểm định, giám định về môi trường nhằm đảm bảo khả năng phân tích, kiểm định, giám định kịp thời, chính xác các thông số môi trường, đảm bảo có giá trị chứng minh tội phạm về môi trường. Mặt khác, cần phải có quy định pháp luật giám định tư pháp về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
MT&CS: Các đối tượng xả thải gây ô nhiễm môi trường hiện nay rất đa dạng và tinh vi, để kịp thời phát hiện, điều tra tìm ra nguyên nhân vi phạm của các đối tượng, lực lượng Cảnh sát môi trường gặp phải khó khăn gì?
Ông Nguyễn Xuân Lý: Bên cạnh những vướng mắc về mặt pháp luật, trong công tác điều tra, phát hiện vi phạm của các đối tượng, lực lượng Cảnh sát môi trường gặp một số khó khăn chủ yếu là:
Các đối tượng có thủ đoạn rất tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng, như hệ thống xả thải, quy trình vận hành rất phức tạp, lợi dụng các điều kiện tự nhiên, hoặc sự cố môi trường nhằm trốn tránh trách nhiệm. Nhất là các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất “kín cổng cao tường” thường rất khó tiếp cận để bắt quả tang hành vi xả thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn ra môi trường.
Công tác Cảnh sát môi trường liên quan nhiều đến khoa học kỹ thuật, nhưng hiện nay việc đầu tư trang bị cho lực lượng Cảnh sát môi trường còn có những hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác kiểm định, giám định môi trường rất phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí cao.
Cán bộ Khoa Cảnh sát môi trường, Học viện Cảnh sát nhân dân lấy mẫu nước tại công viên Hòa Bình (Hà Nội) để làm xét nghiệm
MT&CS: Ngày 18/11/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ông đánh giá thế nào về nghị định này?
Ông Nguyễn Xuân Lý: Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã khắc phục một số tồn tại, vướng mắc của Nghị định số 179/2013, có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn, trong đó đã bổ sung thẩm quyền của lực lượng CAND trong xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, quy định về áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả… Nghị định cũng có quy định về phân định thẩm quyền xử phạt giữa các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng đến từng điểm, khoản, điều.
Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 155, vừa không để chồng chéo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vừa không để sót lọt hoặc xử lý không nghiêm minh các vi phạm, cần tiếp tục cụ thể hóa các quy định và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm pháp luật về môi trường.
MT&CS: Trong thời gian tới, C49 sẽ có những kế hoạch hoạt động thế nào nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường?
Ông Nguyễn Xuân Lý: Năm 2017, dự báo tình hình kinh tế, xã hội thế giới và trong nước sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, trọng tâm công tác năm 2017 của lực lượng Cảnh sát môi trường là:
Một là: Tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo các cấp từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách và cơ sở pháp luật phục vụ công tác bảo vệ môi trường nói chung, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường nói riêng, trước hết là triển khai thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Dòng chất thải đọng trên bề mặt đen kịt, đặc sánh và hôi như dầu nhớt được lực lượng Cảnh sát môi trường phát hiện và tiến hành kiểm tra
Hai là: Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nghiệp vụ Công an, tổ chức các đợt tấn công trấn áp tội phạm, đấu tranh một số chuyên án, vụ án lớn trong những lĩnh vực phức tạp, nổi lên thời gian qua như: Xả thải chưa qua xử lý ra môi trường; hoạt động nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, sản xuất thực phẩm vi phạm quy định về ATVSTP; Hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng hóa, phế liệu gây ô nhiễm môi trường; Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng và khai thác tài nguyên khoáng sản…
Ba là: Tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, tài nguyên, an toàn vệ sinh thực phẩm để tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm có hiệu quả.
Bốn là: Tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương IV (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương IV (khóa XII) về tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 65 ngày 7/10/2016 của Đảng ủy Cục về tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ chiến sỹ, đảng viên.
Năm là: Thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Cảnh sát môi trường, bố trí lại lực lượng Cảnh sát môi trường theo hướng chuyên sâu. Trước hết là sơ kết chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cảnh sát môi trường, trên cơ sở đó đề xuất Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của lực lượng Cảnh sát môi trường.
MT&CS xin cảm ơn Ông!
Hùng Thắng (Thực hiện)