Tây Nguyên: Nhiều hồ chứa xuống cấp, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 03:26, 27/07/2017
(Moitruong.net.vn) – Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 80 hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có 71 hồ chứa do Ban quản lý – Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum quản lý, 09 hồ còn lại do huyện quản lý. Theo chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, qua kiểm tra thực tế các thân đập, có 14 hồ chứa bị xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn.
Phần thân đập hồ thủy lợi Bàu Nài (Chư Prông, Gia Lai) có vị trí nứt dài 5m, bề rộng 10cm
Thông tin trên báo Tài nguyên và Môi trường, theo Chi cục Thủy lợi Kon Tum đánh giá một số đập nhỏ có vết nứt cũ, một số đập bị biến dạng phần mái đập, phần lát đá khan mái thượng lưu, do được đắp bằng đất nên có hiện tượng bị thấm qua nền và thân đập. Đáng chú ý, hồ chứa Đắk Trang bị thấm mạnh qua vai tả đập và sẽ được khắc phục ngay trong năm nay. Một số hồ nhỏ khác bị thấm thành dòng qua thân đập. Nhiều hồ chứa khác có tràn xả lũ bị hư hỏng, trong đó hồ Chà Mòn có tường bên và đáy thân tràn bị bong tróc, xói lở nhiều chỗ cần phải xử lý gấp.
Còn trong đợt kiểm tra mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Gia Lai cho biết, trong 112 hồ chứa lớn, nhỏ trên địa bàn được kiểm tra thì có 12 hồ bị biến dạng phần mái đập, 27 hồ bị hư hỏng hạng mục tràn xả lũ, 03 hồ bị xói lở thân tràn, đuôi tràn…
Nghiêm trọng hơn, nhiều công trình bị thấm nước ở nền đập, thân đập như thủy điện Đak Srông 2, Đak Srông 3B (huyện Kông Chro), Ia Grai 1, Chư Prông (huyện Ia Grai). Trong đó, thủy điện Chư Prông có hai vị trí giữa thân tràn bị thấm nước, chảy thành tia; khu vực gần bể áp lực có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa lũ. Thủy điện Đak Srông 3B có một số vị trí bị thấm nhẹ, một vị trí bị rỉ nước chảy thành dòng.
Cần khắc phục ngay trước mùa mưa bão
Trước tình hình mưa bão đang diễn biến ngày càng nhiều trên địa bàn, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản chỉ đạo chủ động cân đối ngân sách để kiểm định an toàn hồ. Hàng năm, Sở NN&PTNT Kon Tum đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra để kịp thời phát hiện các sự cố để tiến hành sửa chữa. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp, tiền cấp chưa đủ để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên công trình nên các đơn vị không có kinh phí để thuê tư vấn thực hiện công tác kiểm định đập.
Ông Văn Tất Cường – Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Kon Tum cho biết, việc kiểm định hồ chứa để đảm bảo an toàn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn hàng chục hồ chứa nhỏ, chưa được kiểm tra, đánh giá dòng chảy lũ do đa số các hồ chứa này là của các nông, lâm trường bàn giao lại nên không có hồ sơ. Song năm 2017, tỉnh Kon Tum sẽ chọn một số hồ để thực hiện.
Ngày 10/7, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi các ngành chức năng yêu cầu khẩn trương xử lý, khắc phục tồn tại sau khi kiểm tra các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ 2017. Theo đó, Sở NN&PTNT Gia Lai đã chỉ đạo các phòng chuyên môn kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các công trình, mục đích là để chấn chỉnh, đôn đốc đơn vị quản lý nhanh chóng khắc phục, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình. Việc kiểm tra hiện trạng, phương án vận hành điều tiết nước của các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh vẫn đang được thực hiện, dự kiến đến cuối tháng 7 sẽ hoàn thành.
Ông Kpă Thuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh sau khi kiểm tra, các đơn vị chủ hồ thủy lợi nào không chịu chấp hành khắc phục thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Quế Mai