Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 23:24, 20/06/2017
(Moitruong.net.vn) – Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, Người sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và Người cũng là nhà báo vĩ đại nhất. Những giá trị to lớn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần dẫn dắt nền báo chí cách mạng nói chung, người làm báo nói riêng phát triển mọi mặt cả về số lượng và chất lượng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người thầy vĩ đại của những người làm báo Cách mạng Việt Nam
Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của người làm báo
Ngay từ những năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức sâu sắc về vai trò to lớn của báo chí tiến bộ trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước chân chính và truyền bá học thuyết Mác – Lênin vào nước ta. Người coi đây là một phương tiện nhạy bén và đầy hiệu quả trong cuộc đấu tranh sống còn để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tại Diễn đàn Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản (7/1924) Người đã chỉ rõ: “Báo chí chủ nghĩa cộng sản có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng lao động của các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản”.
Vì vậy, tháng 6 năm 1925, Người sáng lập tờ báo Thanh Niên, cơ quan của Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời Ðảng Cộng sản Việt Nam. Nền báo chí cách mạng nước ta cũng hình thành từ ngày số báo Thanh Niên đầu tiên ấy xuất bản (21/6/1925), góp sức tích cực vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, khơi dậy lòng yêu nước, bồi đắp ý chí chiến đấu chống thực dân, phong kiến, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc chiến đấu chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Qua thực tiễn và kinh nghiệm làm báo đầy gian truân, Bác đã căn dặn các nhà báo: Làm báo là để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Nghề làm báo vốn là nghề đòi hỏi sự khắt khe về chính trị, đạo đức, nghiệp vụ mới có thể làm việc được hanh thông, trôi chảy, Bác cho rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. “Mỗi bài báo là một tờ hịch cách mạng”, “Người không có đạo đức tốt thì không thể là nhà báo tốt”.
Về phong cách làm báo Bác viết : “Muốn tiến bộ thì phải viết hay”, “có sự kết hợp hài hòa cái dân gian và cái bác học, cái cổ điển và cái hiện đại, giữa phong cách phương Đông và phong cách phương Tây, từ đó tạo thành sức cuốn hút mạnh mẽ đối với người nghe, người đọc”. Mỗi người cầm bút tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc. Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”.
Về tính chân thực, Bác thường nhắc nhở: “Báo cáo phải thật thà, gọn gàng, rõ ràng, thiết thực. Những tài liệu và con số phải phân tích và chứng thật, không nên hầm hồ, bèo nheo”. “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nên nói ẩu”, “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.
Tác phẩm phải ngắn gọn, nhiều thông tin hữu ích sẽ có giá trị hơn những tác phẩm “dây cà ra dây muống”, câu chữ lòng vòng đánh đố người đọc. Người dạy: “ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chăc chắn”.
Tác phẩm phải trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Muốn nói, muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, theo Bác Hồ, trước hết phải học cách nói của quần chúng. Phải thực sự học quần chúng để có cách nói, cách viết được quần chúng chấp nhận như những gì của chính họ. Bác thường nhắc nhở căn dặn cán bộ, đảng viên; “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm cán bộ, công nhân viên Nhà máy in Tiến Bộ tại Hà Nội, ngày 11/5/1959
Nhà báo phải có “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”
Mỗi lời dạy của Người cho đến hôm nay vẫn tươi nguyên tính thời sự – chính trị; Là hành trang quý báu, là kim chỉ nam cho hành động của mỗi người cầm bút -những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tư tưởng – văn hóa. Bác thường xuyên nhắc nhở cái gốc của người chiến sĩ cách mạng là đạo đức cách mạng. Chính vì vậy, Bác lưu ý động cơ không trong sáng của một số ít người cầm bút là “chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ”. Muốn viết cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn… Họ không thấy rằng: làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều vẻ vang.
Làm theo lời Bác dạy, những người làm báo cách mạng từ thế hệ này sang thế hệ khác đã tận tâm tận lực dùng trí tuệ và ngòi bút của mình đưa chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thấm sâu vào cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần tạo nên những thành tựu vô cùng to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong hơn 90 năm qua, đặc biệt là thành tựu của hơn 30 năm đổi mới đất nước.
Trước tình hình quốc tế ngày càng có những diễn biến khó lường, trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, báo chí cũng đang bộc lộ không ít tiêu cực hoặc đang có dấu hiệu thể hiện khuynh hướng lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” có thể gây tác động khôn lường. Hơn lúc nào hết, dư luận xã hội đòi hỏi những người làm báo chúng ta phải dày công rèn luyện và coi trọng đạo đức nghề nghiệp. Người làm báo phải luôn luôn tìm tòi phát hiện cái mới, những người làm báo phải là những người có bản lĩnh, dám dấn thân, có trách nhiệm với những thông tin mình truyền tải đến công chúng. Mỗi nhà báo phải có “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, để đưa văn hóa – xã hội đến những giá trị nhân văn, đặt lợi ích dân tộc, quốc gia lên trên hết.
Chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cùng với toàn Đảng, toàn dân ta, đội ngũ những người làm báo trong làng báo chí cách mạng Việt Nam đang quán triệt và thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây thực sự là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, của đội ngũ những người làm báo trên cả nước, góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí, chất lượng bài viết, đưa nền báo chí nước nhà phát triển đúng định hướng, hiện đại và chuyên nghiệp trong xu thế hội nhập.
Nguyễn Văn Thanh