Xu hướng công trình xanh, công nghệ sạch thích ứng với biến đổi khí hậu
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 09:37, 16/08/2017
(Moitruong.net.vn) – Hiện, Việt Nam đang phát triển nhiều công trình xanh, công nghệ xanh trong xây dựng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Và việc phát triển các công trình xanh và công nghệ xanh trong xây dựng cần sự đồng bộ hơn nữa.
Trên thế giới hiện ngày càng có nhiều công trình từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn như quy hoạch đô thị phát triển theo hướng công trình xanh.
Tại Việt Nam, Chính phủ, các nhà đầu tư, các cơ quan nghiên cứu khoa học đều đã quan tâm đến lĩnh vực này. Cụ thể, Chính phủ đã cho thành lập Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (ECC) để hỗ trợ, tư vấn về tiết kiệm năng lượng cho các công trình hiện hữu cũng như xây mới. Bộ Xây dựng đã ban hành các quy chuẩn xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm phát thải ra môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành liên quan cũng đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung vào các vấn đề hạn chế và đi đến chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tận dụng sự phong phú của các nguồn năng lượng tái tạo bằng những cam kết phát triển công nghệ xanh. Năm 2011, Việt Nam đã hợp tác với Đan Mạch nhằm nâng cao kiến thức và phát triển công nghệ xanh để đối phó với BĐKH.
Mặc dù đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn nhưng cho đến nay, số lượng công trình xanh của Việt Nam vẫn rất ít. Tại TP.HCM hiện mới có một công trình kiến trúc được chứng nhận Công trình Xanh theo hệ thống đánh giá LEED của Mỹ, hai công trình được chứng nhận Công trình Xanh theo hệ thống Green Mark của Singapore.
Một trong những thách thức với việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam là nhận thức sai lầm rằng xây dựng công trình xanh đòi hỏi mức chi phí đầu tư cao hơn 10 – 30% so với công trình thông thường.
Thực tế là, cho đến thời điểm này vẫn chưa có chính sách khuyến khích đầu tư công trình xanh một cách cụ thể tại thị trường Việt Nam. Các ban ngành chức năng cũng chưa hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng tương xứng với tiêu chí xanh phù hợp với điều kiện phát triển thực tiễn tại nước ta hiện nay.
Bên cạnh phát triển công trình xanh, theo xu thế chung của thế giới, thời gian qua Việt Nam đã phát triển nhiều công nghệ xanh trong lĩnh vực xây dựng. Nhiều công trình đã đạt chứng nhận LOTUS (của Hội đồng công trình xanh Việt Nam) nhờ ứng dụng công nghệ xanh.
Trong đó, một xu hướng công nghệ xanh được nhiều công trình áp dụng là sử dụng sản phẩm “vật liệu xanh”. Điển hình là tấm tôn lợp sinh thái được sản xuất từ sợi hữu cơ cellulose, chất chống thấm asphalt và acrylic theo phương pháp ép lớp, có khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt; hay bê tông nhẹ dùng công nghệ chưng áp khí, không nung, có khả năng cách âm, cách nhiệt, giúp giảm khoảng 30% điện năng cho hệ thống làm lạnh.
Công nghệ pin năng lượng mặt trời cũng là công nghệ xanh ngày càng phổ biến. Theo đó, các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái và ốp tường bao ngoài nhà không chỉ hấp thụ năng lượng mặt trời mà còn tạo tính thẩm mỹ cho toàn bộ công trình, giúp chuyển năng lượng mặt trời thành dòng điện một chiều. Nó giúp các gia đình thêm chủ động về nguồn điện, góp phần tăng cường công tác triển khai các dạng năng lượng sạch, tái tạo. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt pin năng lượng mặt trời cỡ lớn vẫn còn khá cao, chưa thật sự phù hợp với các gia đình Việt Nam.
Mặc dù đã đạt được những bước tiến nhất định, nhưng theo các chuyên gia, để có thể chủ động trong việc thích nghi và ứng phó với những diễn biến tiêu cực của BĐKH, thì không chỉ các công trình lớn, công trình trọng điểm mà các công trình khác cũng cần được “xanh hóa”. Vì vậy, việc nghiên cứu, làm chủ và đưa vào triển khai các công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, sạch trên thế giới vào Việt Nam là hết sức cần thiết.
K.Linh (Monre)