Người giữ hồn đào cổ Nhật Tân
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 00:46, 17/02/2018
(Moitruong.net.vn) – Cứ nói đến Tết, không thể không nhắc đến hoa đào. Đào bích, đào phai, đào năm cánh… đem Xuân đến với mọi nhà. Dinh đào Nhật Tân ở quận Tây Hồ giờ chuyển từ đồng sang bãi ven sông, diện tích chẳng kém khi xưa là bao. Nghề trồng đào cũng không chỉ đủ ăn như trước, nhiều người đã thành triệu phú. Nhưng có một người ở Nhật Tân nặng lòng trước những đổi thay. Giống bích đào Nhật Tân sắc thắm đến nao lòng nay hầu như không tìm thấy nữa. Ngày lại ngày, ông Nguyễn Văn Toàn tự xếp mình ra ngoài vòng quay của thị trường, lặng thầm chăm những gốc đào cổ Nhật Tân…
Ông Nguyễn Văn Toàn ngắm nghía thành quả tại vườn nhà
Ông Nguyễn Văn Toàn mải miết tỉa cây ở mảnh vườn nhà. Đường vào khu vườn qua con ngõ nhỏ, khiến khu vườn yên tĩnh, tách biệt hẳn khỏi những ồn ào. Khu vườn ví như chính con người ông vậy. Làng đào đã trải bao biến cố. Mấy chục héc-ta dinh đào biến thành khu đô thị. Cây đào “di cư” ra bãi sông Hồng. Trồng đào cũng không phải nghề đủ ăn như trước. Đào thế, đào rừng, đào “khủng”… ngày một nhiều. Riêng thuê một cây đào, chủ đào có khi đã thu cả chục triệu. Gia đình ông Toàn vẫn lặng lẽ đứng ngoài những vòng quay ấy…
Cái mảnh vườn ở xóm Chùa này đã gắn bó với ông Toàn từ những ngày thơ bé. Cụ thân sinh ông Nguyễn Văn Toàn là người yêu bích đào. Từ hồi còn nhỏ, ông đã phụ cha chăm sóc đào. Cái sắc thắm bích đào Nhật Tân, cái dáng, cái thế của từng cây đào đi từ quen thuộc trở thành gắn bó, qua tháng, qua năm đã trở nên quá quen thuộc. Với mọi người, có thể đó là điều kỳ lạ. Nhưng với riêng ông Nguyễn Văn Toàn, đó là lẽ thường tình, khi ông không nhập những giống đào mới về, mà kiên trì với lối đào cổ Nhật Tân.
Các cụ Nhật Tân xưa chọn lối thanh nhã. Không nhất thiết phải gốc to, nhưng phải cân đối, hài hòa giữa gốc, cành, dăm. Chính thế một cây đào theo như lối cổ, từ lúc trồng, đến lúc bán nhanh cũng phải mất dăm, sáu năm. Màu thời gian sẽ nhuốm lên từng gốc đào với những vết xù xì, tự nhiên, chứ không “đánh cắp thời gian” bằng những vết khắc vạch băm bổ. Khu vườn nhà ông Toàn toàn những cây đào có tuổi. Giống đào cũng như con người cũng sinh – lão – bệnh – tử. Vài chục năm đã là già. Ông Toàn giữ được những cây đào tuổi 30 – 40 năm hay hơn thế, được lấy giống từ chính những gốc đào cổ Nhật Tân xưa.
Ông Nguyễn Văn Toàn chia sẻ: Lối chơi đào lo một, thì giống đào lo hai. Giờ ở chính Nhật Tân, tìm được một gốc bích đào Nhật Tân cổ không dễ. Người biết thế nào là bích đào Nhật Tân cổ không còn nhiều. Ngay từ khi mới chớm nụ đã khác. Nụ bích đào Nhật Tân chúng tôi gọi là “mắt đen”, vì có màu đen. Nụ bích đào mới màu bạc như phủ sương, còn gọi là “mắt mờ”. Bích đào Nhật Tân chỉ ra hoa một đợt. Được dồn sức cho một đợt hoa nên bông to, nhị hoa vàng, vươn dài, sắc thắm, cái màu thắm tươi, khắc hẳn màu đỏ bàng bạc của bích đào mới, cũng không thẫm như miếng tiết của một số loại đào mới đem về.
“Người trồng bích đào cổ Nhật Tân phải dụng công. Hoa ra có một đợt, nên không ăn ngủ, không dầm sương hứng gió cùng nó thì không hiểu tính khí của cây, không điều chỉnh được ra đúng dịp Tết đến. Đào mới nụ dày, chẳng may hoa ra sớm lại tỉa đi, cây sẽ cho ra đợt mới. Người ta ngại chăm bích đào là vì thế”, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết. Mấy năm nay sức khỏe yếu sau một cơn bạo bệnh, ông Toàn không có nhiều thời gian, sức khỏe chăm sóc cây như trước, nên chỉ giữ một số gốc bích đào giống cổ. Còn lại ông trồng đào phai, nhưng vẫn giữ lối chơi xưa, chăm sóc kỹ lưỡng từ gốc, từ cành, cho đến tỉa dăm, phải đủ “tuổi” mới bán cho người chơi. Nhẩm tính chi li bảy, tám năm từ lúc trồng đến lúc bán, hoặc hơn thế nữa, tính ra công, có khi còn lỗ vốn. Thế mới hiểu thêm cái tâm của người trồng.
Một mùa Xuân mới lại về. Ánh hồng đã bắt đầu lan tỏa khắp không gian. Nhưng nghĩ về câu chuyện xưa – nay ở dinh đào Nhật Tân này, lại thấy vui buồn lẫn lộn. Hai chữ “thời cuộc” sao mà khắc nghiệt thế. Không lẽ những cái đẹp cứ theo nhau lần lượt phôi pha? Nhưng theo ông Toàn, vẫn còn có những người hiểu, người yêu đào cổ Nhật Tân. Lác đác, vẫn có người giữ đào cổ như ông. Nhà ông khuất nẻo trong ngõ, nhưng những người sành lối cổ, yêu nét xưa vẫn tìm đến. Vì chung một nỗi niềm với đào Nhật Tân. Nhiều người thành bạn tâm giao. Có anh họa sỹ cảm mến người giữ giống đào cổ Nhật Tân, còn vẽ tặng cả bức tranh mà giờ ông Toàn vẫn trang trọng treo trong phòng khách. Thấy ấm lòng trở lại. Trong những dòng trong đục đan xen, vẫn có chỗ cho cái hay cái đẹp, khi còn những người có tấm lòng.
Theo HNP