Sử dụng bao bì nhựa thế nào để không nguy hại đến sức khỏe?
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:39, 15/05/2017
(Moitruong.net.vn) – Việc sử dụng các bao bì nhựa như hộp xốp, túi ni-lông, chai, can nhựa, đầu núm vú, bình sữa trẻ con… không đúng cách có thể gây nguy hại cho sức khỏe.
Cách sử dụng bao bì nhựa dẻo tương đối an toàn là không dùng chúng để đựng thực phẩm có nhiệt độ cao hoặc không đun nóng.
Bởi, khi sản xuất các bao bì nhựa, trong đó có túi nilon, người ta phải sử dụng các hóa chất phụ gia như phẩm màu, kim loại nặng (chì, cadimi,..), chất hóa dẻo…. đều là những chất gây nguy hiểm tới sức khỏe của con người.
Ở nhiệt độ 70 – 80 độ C, phụ gia độc hại chứa trong túi nilon sẽ hòa tan vào thực phẩm. Trong đó, một số chất hóa dẻo có thể làm tổn thương và thoái hóa thần kinh ngoại biên và tủy sống; gây độc cho tinh hoàn và gây một số dị tật bẩm sinh nếu thường xuyên tiếp xúc với chúng.
Nếu sử dụng túi nilon để đựng các thực phẩm có tính acid như dưa muối, cà muối, thực phẩm nóng, các chất hóa dẻo trong túi nilon sẽ tách khỏi thành phần nhựa và gây độc cho thực phẩm. Khi ngấm vào dưa chua, acid lactic ở trong dưa, cà sẽ hòa tan một số kim loại tạo chất có thể gây ung thư.
Bên cạnh đó, túi nilon được sản xuất từ PE và PP đều là những vật liệu rất khó bị phân hủy trong điều kiện chôn lấp bình thường (khoảng hàng trăm năm mới bị phân huỷ hoàn toàn) nên việc sử dụng túi nilon sẽ ảnh xấu đến môi trường sống của con người. Sự tồn tại của túi nilon trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxi đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng.
Ngoài ra, túi nilon kẹt sâu trong cống rãnh, kênh rạch còn làm tắc nghẽn gây ứ đọng nước thải và ngập úng. Các điểm ứ đọng nước thải sẽ là nơi sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, rác thải từ túi nilon còn làm mất mỹ quan tới cảnh quan môi truờng. Do đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi sử dụng bao bì nhựa cần chú ý những vấn đề dươi đây.
Không nên chế biến thức ăn quá nóng hoặc để tô chén, bao bì bằng nhựa trong lò vi sóng mà nên thay bằng vật đựng thủy tinh, sành sứ (nhiệt độ quá nóng, các phtalat dễ thôi ra). Có thể thay các chai, hũ nhựa bằng chai lọ thủy tinh chứa nước mắm, tương chao, dầu ăn hoặc thực phẩm nước.
Không cho trẻ con chơi các đồ chơi bằng nhựa. Bởi lẽ, trẻ hay mút tay hoặc ngậm đồ chơi vào miệng.
Dùng lá chuối hoặc giấy làm bao bì thay vì dùng bao bì bằng nhựa, plastic là tốt hơn cả xét về phương diện bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe.
Ngoài ra, cần tăng cường truyền thông mạnh hơn về những việc không nên dùng bọc ni-lông đựng thức ăn nóng hoặc bỏ hộp nhựa xốp vào lò vi sóng.
Linh Ly (Tổng hợp)