Nỗ lực nâng cao đời sống cho người có công với cách mạng
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 02:42, 03/04/2018
(Moitruong.net.vn) – Thời gian qua, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trên đia bàn tỉnh Kiên Giang luôn được quan tâm chỉ đạo, thực hiện góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.
Quan tâm, chăm sóc gia đình có công với cách mạng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có trên 112.000 người có công với cách mạng đã được công nhận và hưởng chế độ, thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho hơn 20.000 hộ gia đình người có công với kinh phí trên 577 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ xây mới 17.739 căn và sửa chữa cho 3.131 căn).
Đặc biệt, phối hợp với chính quyền và nhân dân các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia tổ chức tìm kiếm, cất bốc và tiếp nhận hơn 1.900 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam hy sinh trong những năm giúp bạn ngăn chặn họa diệt chủng ở Campuchia đưa về an táng ở các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tổ chức điều dưỡng cho 3.164 đối tượng; quan tâm đầu tư nâng cấp các công trình nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ… đã thật sự đi vào cuộc sống và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công vẫn còn những hạn chế, một số trường hợp trực tiếp tham gia công tác trong kháng chiến nhưng do bị thất lạc hồ sơ, không làm đủ thủ tục nên đến nay vẫn chưa được công nhận và giải quyết chế độ; vẫn còn liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh đến nay chưa tìm được phần mộ; đời sống của một số gia đình người có công vẫn còn khó khăn, nhất là nhưng gia đình sống ở vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến, vùng biên giới và hải đảo.
Để khắc phục những tồn tại trên các địa phương cần chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công.
Bên cạnh đó, để đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng được nâng lên cần thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công. Đẩy mạnh xã hội hoá, khuyến khích các tổ chức và người dân tham gia tạo mọi điều kiện để giúp đỡ người có công, đồng thời phát huy tối đa khả năng của người có công và gia đình tự vươn lên trong cuộc sống.
Để công tác chăm sóc người có công với cách mạng được cải thiện trong thời gian tới cần giải quyết dứt điểm các trường hợp đề nghị xác nhận người có công trong chiến tranh còn tồn đọng; phấn đấu đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng.
Trương Anh Sáng