64 năm hào khí Điện Biên
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 22:41, 06/05/2018
(Moitruong.net.vn) – Những ngày này, như một lẽ tự nhiên, danh từ riêng Ðiện Biên Phủ với ý nghĩa thiêng liêng nhất, đã được chuyển hóa thành động từ để chỉ sự sum họp với tinh thần đồng tâm hiệp lực, san sẻ yêu thương. Mấy tuần qua, từ trên tháp chuông Nghĩa trang – Quảng trường A1 (Tp. Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên), cứ vài ba giờ lại vang một hồi chuông hòa vào không trung và lắng lại những dư âm da diết trong lòng người.
Hằng năm, cứ vào những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 Tp. Ðiện Biên Phủ lại rực rỡ cờ hoa hòa trong không khí nhộn nhịp. Cách đây 64 năm, thung lũng Mường Thanh còn khét lẹt mùi thuốc súng của trận thư hùng “gan không núng, chí không mòn”. Với bao nỗ lực của các thế hệ người Ðiện Biên, trên mảnh đất bom cày đạn xới năm xưa, một thành phố trẻ đang vươn mình trong hội nhập và phát triển.
Những người lính đã tham gia trận chiến “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non…” có dịp trở lại thăm chiến trường xưa đều không khỏi bồi hồi xúc động. Hơn ai hết, chính họ cũng không nghĩ rằng, nơi từng thấm bao mồ hôi, nước mắt, bao giọt máu đào của anh em đồng đội là một Ðiện Biên Phủ đang thay đổi từng ngày.
Ðến từ huyện Kiến Thụy (Tp. Hải Phòng), ông Nguyễn Văn Huy, 86 tuổi, nguyên chiến sĩ Ðại đội 3 (Lữ đoàn 349, Bộ Tổng Tham mưu), cho biết: “Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đơn vị tôi tham gia đánh chiếm các cứ điểm: 105, 106, 206, 310… nhằm chia cắt và cô lập sân bay Mường Thanh. Ðây là lần thứ tư tôi về thăm lại chiến trường xưa và thật bất ngờ khi chứng kiến Tp. Ðiện Biên Phủ không chỉ được xây dựng với tốc độ nhanh mà còn rất quy mô. Tôi mong sẽ còn tiếp tục được trở lại nơi đây”.
Từ cuối tháng 4/2018, lượng khách tham quan ngày càng đông tại các điểm di tích lịch sử trên địa bàn Tp. Ðiện Biên Phủ, như: Ðồi A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, Nghĩa trang Liệt sĩ A1, hầm Ðờ-cát… Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ Vũ Thị Tuyết Nga cho biết: “Ngay từ đầu tháng 4-2018 Ban Giám đốc Bảo tàng đã có kế hoạch phục vụ chu đáo, nếu cần sẽ đề nghị một số đơn vị trong tỉnh tăng cường đội ngũ thuyết minh viên”…
Tháng 5, đồi A1 đỏ chói chang bởi sắc hoa phượng vĩ. Dừng chân bên gốc cây phượng cổ thụ gần xác chiếc xe tăng di tích, chị Cao Thị Nữ – Tổ trưởng tổ thuyết minh di tích Ðồi A1, bày tỏ: “Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ là đơn vị sự nghiệp có thu nhưng chúng tôi không “tận thu”. Dịp này và nhiều dịp khác, chúng tôi miễn phí hoàn toàn cho khách du lịch là các cựu chiến binh (kể cả cựu chiến binh không tham gia trận Ðiện Biên Phủ), người già và trẻ em…”.
Từ sáng đến chiều tối, Bảo tàng luôn náo nhiệt bởi các đoàn khách tham quan. Ðứng cạnh gian mô tả cảnh Bác Hồ cùng Bộ Chính trị họp bàn quyết định mở chiến dịch Trần Ðình (mật danh chiến dịch Ðiện Biên Phủ) cuối năm 1953 tại An toàn khu Thái Nguyên, ông Poòng Chí Xíu (75 tuổi, dân tộc Sán Dìu) nói: “Quê tôi mãi tận vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn. Cũng vì đường sá xa xôi và hoàn cảnh kinh tế cho nên giờ tôi mới có dịp cùng các con về thăm Ðiện Biên Phủ. Tôi là người dân tộc thiểu số lại ít học, không biết nói hay, chỉ xin chân thành cảm ơn các chiến sĩ Ðiện Biên Phủ, cảm ơn Bác Hồ, cảm ơn Ðại tướng Võ Nguyên Giáp…”.
Năm 2017, tỉnh Ðiện Biên có nhiều dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể, GDP bình quân đầu người tăng qua các năm. Với Tp. Ðiện Biên Phủ, sự phát triển ấy thể hiện dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp từ khu Cảnh Quang xuống tận di tích Hận thù Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên), là những dãy nhà cao tầng, khu đô thị mới, hệ thống nhà hàng, khách sạn có kiến trúc hiện đại, trung tâm thương mại sầm uất. Ngoài khu vực nội đô là những ngôi nhà vườn xinh xắn.
64 năm đã qua, bao thế hệ con người tỉnh Ðiện Biên cũng như Tp. Ðiện Biên Phủ, đã và đang viết tiếp huyền thoại “Chiến thắng Ðiện Biên Phủ” trong lao động, công tác và học tập; trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh.
Theo NDĐT