Gọi tên Tháng Tư
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 04:30, 30/04/2018
(Moitruong.net.vn) – Hơn 40 năm đã trôi qua, kể từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, thời gian càng lùi xa thì Chiến thắng 30/4/1975 của dân tộc Việt Nam càng nổi bật tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện này. Các thế hệ người Việt Nam đã và đang cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn giá trị, bài học của chiến công chói lọi ấy.
Ngày 30/4 giải phóng miền Nam – Ngày hội giải phóng non sông
Mỗi năm, cứ đến tháng Tư là cả nhà tôi lại rộn rã, lâng lâng cảm xúc như ngày Tết Nguyên Đán. Như có một năng lực siêu nhiên, thúc giục chúng tôi nghĩ về lịch sử, về sự kiện Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, về những anh hùng ngã xuống “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Chỉ mới những ngày đầu tháng Tư thôi mà ông nội tôi đã kêu con cháu đi mua Quốc kỳ mới vì sợ tới ngày kỷ niệm giải phóng người ta mua nhiều rồi “cháy” hàng. Người già là vậy, lo trước, lo xa, có khi là lo cả một đời. Phải ngoan ngoãn vâng lời thôi, vì cố giải thích thì ông giận, rồi phân vân: “Các cháu có biết là ngày xưa thế hệ của ông chiến đấu gian khổ thế nào không. Phải cực khổ, thiếu thốn trăm bề để cho các cháu có ngày hôm nay hòa bình, no ấm, vui vẻ. Lẽ ra các cháu phải trân trọng lịch sử hào hùng của Việt Nam chứ”. Trước những lời ông nói, chúng tôi phải nhanh nhảu làm theo vì nếu không ông tiếp tục “kể tội”.
Những ngày tháng Tư, ông nội đi nhiều nơi và cũng nói nhiều hơn. Đôi chân già nua chai sần từng hiên ngang trên mọi chiến trường giờ run rẩy, yếu đuối, phải nhờ chiếc gậy làm bạn. Nhưng ông chẳng chùn bước, nhất định phải đến các buổi họp cựu chiến binh, đồng đội năm xưa. Có năm, ông rủ rê cả hội cựu chiến binh về nhà để làm tiệc, nhâm nhi tách trà, ly rượu rồi rôm rả nhắc về thời trai trẻ. Bao giờ cũng vậy, cứ sống lại những giây phút oanh liệt một thời là ông lại mang những kỷ vật chiến tranh cất trong tủ cho mọi người xem. Trong đó có một bức ảnh mà ông chụp cùng đồng đội được ép nhựa cẩn thận, cất trong chiếc hộp gỗ kỹ càng. Bức ảnh hiếm hoi, dù hơn 40 năm trôi qua vẫn không nhòe. Cầm trên tay bức ảnh, môi run run nhắc về những người ngã xuống, những người lính già lặng đi giây lát như là cách để tưởng nhớ. Chúng tôi ngồi vây quanh cảm thấy kính trọng, thán phục vô cùng!
Tháng Tư, vào những bữa cơm, buổi sinh hoạt ấm cúng có mặt đầy đủ con cháu là ông say sưa kể về những chiến công hào hùng của quân, dân Việt Nam: Những anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do; những thiếu niên dũng cảm vì Tổ quốc; những bà mẹ Việt Nam anh hùng đào hầm nuôi giấu bộ đội… Thật ra ngày thường ông vẫn nói, vẫn kể như một ông giáo giảng bài. Nhưng vào tháng Tư, đúng hoàn cảnh, đúng không gian sôi nổi, đã khiến lòng ông háo hức, nôn nao, thúc giục nên nhớ rất nhiều chuyện thú vị. Mà phải công nhận ông kể chuyện rất chân thật, lôi cuốn, vì thế mà chúng tôi nghe một cách say mê.
Cũng nhờ ông mà chúng tôi hiểu biết thêm nhiều điều trân quý về lịch sử nước nhà. Những chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại là một chất kết dính quan trọng giúp cho lịch sử có một bức tranh toàn diện, đầy đủ. Ông là nhân chứng sống, từng tham gia nhiều trận đánh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên những gì ông nói rất chân thật. Ông nói một cách say mê, hào hùng, cứ y như không gian hiện tại đang là chiến trường khốc liệt. Điều đó càng làm cho tôi thấy hãnh diện vì ông, một bộ đội cụ Hồ đã góp chút công sức bé mọn để làm nên chiến thắng lịch sử vẻ vang 30/4/1975.
Tháng Tư nữa lại về trong sự hân hoan của gia đình tôi. Không để ông nhắc, chúng tôi, những đứa cháu rất rõ tâm lý ông đã vội vàng đi mua những thứ ông cần. Ông mỉm cười với vẻ mãn nguyện. Và vui sướng hơn khi mẹ tặng cho ông một bộ đồ bộ đội mới để tiện đi hội họp. Mẹ phải cất công nhờ nhiều nơi mới có người may được loại y phục này. Ông lặng lẽ cất bộ đồ sờn cũ vào tủ, mặc thử đồ mới, ngắm nghía hồi lâu trong gương như cậu trai trẻ đôi mươi. Những lúc ấy, tôi hiểu ông đang hồi tưởng về ký ức vàng son của mình.
Vũ Thanh Thanh