Đường 20 Quyết Thắng – Nơi ghi dấu những chiến công thầm lặng của các Anh hùng liệt sỹ
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 07:03, 27/07/2018
(Moitruong.net.vn) – Đường 20 – con đường của lứa tuổi hai mươi mang tên Quyết Thắng đã làm nên chiến công như là huyền thoại của một thời “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước” lập nên những kỳ tích oanh liệt, góp phần tạo nên thắng lợi vỹ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – Đó là những khúc tráng ca bất tử tạc vào lịch sử dân tộc.
Hang Tám cô – Nơi các nữ thanh niên xung phong hy sinh
Đường 20 xuất phát từ cửa rừng Phong Nha lên Cà Roòng, đây là tuyến đường được khảo sát và thi công trong thời điểm chiến tranh ác liệt, có thể nói mặt đường trộn lẫn máu và mồ hôi của các chiến sĩ Trường Sơn. Ngày 20/12/1965, được đánh dấu là ngày bổ nhát cuốc đầu tiên cho việc hình thành con Đường 20, thể hiện ý chí quyết tâm “phá thế độc quyền”, quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi quyết định trên mặt trận giao thông vận tải ở mảnh đất tuyến lửa chật hẹp này. Ngày 05/5/1966, sau 4 tháng thi công (127 ngày đêm, từ ngày 20/12/1965 đến ngày 05/5/1966) Đường 20 đã được hoàn thành với chiều dài 123km, chọc thủng Trường Sơn nối liền Phong Nha (Quảng Bình) với Lùm Phùm thuộc huyện Bu-La-Pha, tỉnh Khăm Muộn (Lào). Do lực lượng thi công con đường đều ở lứa tuổi 20 nên Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tư lệnh 559 đã đặt tên con đường là “Đường 20”, con đường đã thể hiện ý chí quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, quyết tâm phá thế độc tuyến và giành thắng lợi trên mặt trận giao thông vận tải, vì thế con đường được gán thêm hai chữ “Quyết Thắng” và được gọi đầy đủ là “Đường 20-Quyết Thắng”.
Trên tuyến đường này có một di tích lịch sử hết sức đặc biệt gắn với câu chuyện lịch sử đầy bi hùng đó là “Hang Tám Cô”, đặc biệt từ tên gọi đến câu chuyện về sự hy sinh dũng cảm của những thanh niên xung phong khi đang làm nhiệm vụ. Ngày 14/11/1972, một ngày lịch sử không bao giờ quên, những trận bom tọa độ B52 như điên cuồng trút xuống, làm không gian rung chuyển, đường 20 Quyết Thắng bị quật nát, cắt đoạn, đất đá tung lên mù mịt, những vách núi đá dựng đứng lắc lư, sau trận ném bom bằng B52 của đế quốc Mỹ đã có 5 chiến sỹ pháo binh hy sinh không còn nguyên vẹn. Ngay lúc đó, một tiểu đội TNXP gồm 8 chiến sĩ (Nguyễn Văn Huệ, Trần Thị Tơ, Lê Thị Lương, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Văn Phương, Đỗ Thị Loan, Nguyễn Mậu Kỷ, Lê Thị Mai) đang làm nhiệm vụ đã chạy vào hang ẩn nấp. Không may, sức công phá của bom đã làm cho một tảng đá nặng khoảng 100 tấn sập xuống khiến cửa hang bị bịt kín. Lúc ấy, biết các đồng đội còn sống nhưng tất cả đều bất lực, sự sống được lắng nghe qua tiếng kêu cứu vọng ra từ hang đá và kéo dài qua ống nhựa chứa cháo loãng được luồn qua kẽ hở núi đá.
Hình ảnh những cô gái hy sinh khi tuổi đời son trẻ đã trở thành linh thiêng vĩnh hằng và “Hang Tám cô” là chứng tích về sự hy sinh của 8 Thanh niên xung phong tại km16,5 trên đường 20 Quyết Thắng trở thành một địa danh đã đi vào lịch sử của dân tộc. Ngoài ra, còn biết bao sự hy sinh oanh liệt của hàng ngàn chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong trên các tọa độ lửa dọc tuyến đường 20, các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh thân mình để khai thông và bảo vệ tuyến đường, bảo đảm chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam ruột thịt để giải phóng miền Nam, non sông thống nhất.
Mai Thùy