Gieo màu xanh trên đảo Trường Sa
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 11:21, 18/03/2019
Đến đảo Trường Sa Đông, bạn sẽ thực sự ấn tượng với hệ thống vườn, giàn TGSX được quy hoạch bài bản. Giữa trùng khơi, nơi màu xanh của trời hòa vào màu xanh của biển, điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt, nhưng vườn rau trên đảo vẫn xanh mướt, với đủ các loại: Rau muống, rau lang, rau cải, mồng tơi…
Chăm sóc, thu hái rau phục vụ bữa ăn của bộ đội trên đảo Trường Sa Đông
Trung tá Hoàng Văn Phước, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông cho biết: “Cùng với việc tiếp nhận, cấp phát đúng, đủ tiêu chuẩn cho cán bộ, chiến sĩ theo quy định, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy đảo tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tăng gia, chăn nuôi, góp phần nâng cao chất lượng đời sống bộ đội. Toàn đảo hiện có 260m² vườn tăng gia, 75m² chuồng nuôi lợn, 30m² chuồng nuôi gia cầm.
Trong năm 2018, đơn vị hoàn thành và vượt chỉ tiêu tăng gia, như: Rau xanh 6.021kg; thịt xô lọc các loại 2.767kg; hải sản 3.726kg; thu lãi từ TGSX đạt 1.378.000 đồng/người/năm.
Công tác tăng gia sản xuất trên đảo Trường Sa Đông nói riêng và các đảo trên quần đảo Trường Sa nói chung gặp rất nhiều khó khăn bởi hằng năm phải hứng chịu nhiều cơn bão, thời tiết khắc nghiệt, hơi mặn từ biển… Vì vậy, để có được vườn rau xanh tốt, giàn bầu, bí sai trĩu quả, đàn lợn, gia cầm béo khỏe, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đã có những cách làm sáng tạo, cùng nhiều biện pháp chăm sóc đặc biệt, như: Căng bạt, căng lưới che chắn cẩn thận; tận dụng các khay, chậu để trồng rau; thường xuyên phơi đất, xới đất; ủ lá cây làm phân…
Đại úy Kiều Văn Hưng, Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu 1 (đảo Trường Sa Đông) nêu kinh nghiệm: “Do đất trồng rau trên đảo phải vận chuyển từ đất liền ra nên sau mỗi lần thu hoạch, đất được cải tạo bằng cách phơi, xới, bón phân… để tiếp tục trồng lứa rau mới. Việc chăm sóc rau trên đảo được tiến hành rất công phu, tỉ mỉ. Khi có mưa gió to, cán bộ, chiến sĩ phải che đậy cẩn thận, không để nước muối từ biển theo nước mưa gây cháy lá, chết cây. Ban đêm sử dụng lưới che cho vườn rau nhằm tránh hơi sương mặn; ban ngày che nắng từ 9 giờ đến 15 giờ rồi sau đó bỏ lưới ra để rau có ánh sáng mặt trời.
Việc tưới rau cũng được thực hiện rất khoa học. Buổi sáng tưới sương cho nước muối bám trên rau trôi đi, buổi chiều tưới đậm hơn cho rau bảo đảm đủ nước để phát triển. Nước tưới rau tận dụng từ nước sinh hoạt hằng ngày của bộ đội. Để rau sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài việc sử dụng phân vi sinh được chuyển từ đất liền ra, cán bộ, chiến sĩ còn tận dụng lá cây trên đảo ủ thành phân bón cho rau, cải tạo đất…”.
Tại đảo An Bang, vườn rau rộng gần 200m² xanh tốt được trồng theo kiểu trang trại không thua kém trong đất liền, với những luống rau cải, rau mồng tơi lá to như lá bàng, lá sen… Trung úy Trần Văn Tình, Trợ lý hậu cần đảo An Bang phấn khởi nói: “Những năm qua, việc trồng rau không chỉ bảo đảm đủ nhu cầu sử dụng cho bữa ăn hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ trên đảo mà còn cung cấp cho ngư dân và các đoàn công tác dài ngày trên biển khi đến đảo. Để có được vườn rau như hiện nay, cán bộ, chiến sĩ phải bỏ ra rất nhiều công sức, từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch. Ngoài việc chăm sóc công phu theo quy trình trồng rau trên đảo, hằng năm cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang phải di chuyển vườn tăng gia từ 2 đến 3 lần theo mùa để tránh gió. Chẳng hạn vào thời điểm cuối năm, vườn tăng gia được di duyển từ hướng đông bắc về hướng tây nam…”.
Vườn rau trên đảo An Bang được trồng theo kiểu trang trại không thua kém trong đất liền
Cùng với việc trồng rau, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa còn chủ động tổ chức chăn nuôi, đánh bắt hải sản, làm giá đỗ, đậu phụ để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Theo Thượng tá Đinh Trọng Thắm, Phó chỉ huy trưởng về Quân sự đảo Trường Sa: Để công tác chăn nuôi đạt hiệu quả cao, đảo đã đầu tư xây dựng khu chuồng trại tập trung. Hiện nay, đảo duy trì thường xuyên đàn lợn hơn 20 con, cùng nhiều loại gia cầm, như: Gà, ngan, vịt… Nhờ chủ động luân canh, gối vụ nên năm 2018, đảo Trường Sa thu lãi từ TGSX bình quân 1.387.000 đồng/người/năm, đạt 103% kế hoạch đề ra.
Đại úy Hoàng Hưng Hiếu, Phó chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), cho biết: “Bên cạnh cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm cho bộ đội ngoài đảo theo quy định, Lữ đoàn 146 còn chỉ đạo các đơn vị tích cực đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi bảo đảm nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ, kịp thời đưa vào bữa ăn cho bộ đội. Hiện nay, trên tất cả điểm đảo, bộ đội đều trồng được rau xanh và nuôi được lợn, gà, vịt… góp phần cải thiện đời sống hằng ngày”.
An Nhiên (T/h)