Hạ Long – Cát Bà: Tìm kiếm giải pháp công nghệ và quản lý ô nhiễm nước thải

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 11:00, 05/04/2019

– Trong khuôn khổ dự án Liên minh Hạ Long – Cát Bà, Ban quản lý Vịnh Hạ Long và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức hội thảo “Giới thiệu công nghệ xử lý và Giải pháp quản lý nước thải phát sinh từ tàu du lịch và các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà” vào ngày 5/4, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

>>> Nhà khoa học ứng dụng muối đồng clorua nano vào phân bón cây trồng

>>> Quảng Ngãi: Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh

Một góc Vịnh Hạ Long

Ngày 5/4, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), trong khuôn khổ Sáng kiến Liên mình Hạ Long – Cát Bà do Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, IUCN tổ chức hội thảo về “Giải pháp công nghệ và quản lý đối với nước thải từ thuyền du lịch và các hoạt động du lịch tại Vịnh Hạ Long và Quần Đảo Cát Bà” tại khách sạn Sài Gòn – Hạ Long, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Hội thảo tập trung thảo luận các giải pháp công nghệ và quản lý đối với vấn đề nước thải tại khu vực nói trên với sự tham gia của doanh nghiệp và các bên liên quan.

Nổi tiếng trên toàn thế giới với cảnh biển tuyệt đẹp với hàng ngàn ngọn núi đá vôi nhỏ và lớn mọc lên từ mặt nước xanh lấp lánh, Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Khu dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà là hai khu vực thu hút khách du lịch hàng đầu của Việt Nam.

Theo Phó Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long Nguyễn Huyền Anh, tính đến năm 2018, tại Vịnh Hạ Long có khoảng 500 thuyền du lịch hoạt động bao gồm 320 thuyền ngày và hơn 160 thuyền đêm. Tại Quần đảo Cát Bà có khoảng 121 thuyền cung cấp dịch vụ bao gồm 59 thuyền đêm và 62 thuyền ngày. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực xây dựng các quy định pháp lý để quản lý nước thải từ tàu du lịch và hoạt động du lịch, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm nước thải vẫn đang là thách thức lớn. Theo đó, UBND thành phố Hạ Long đã đồng ý giao Ban Quản lý các Dịch vụ Công ích cung cấp dịch vụ xử lý nước thải cho các tàu du lịch. Đồng thời, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã chủ động lồng ghép một số quy định vào quá trình tiếp nhận thủ tục gia hạn hợp đồng du lịch hàng năm cụ thể như: không cho phép các chủ tàu xả thải chưa qua xử lý xuống Vịnh và phải ký hợp đồng với công ty xử lý thu gom nước thải nếu như không có thiết bị xử lý trên tàu.

Ông Jake Brunner, Quyền trưởng đại điện IUCN Việt Nam cho biết, tháng 7/2018, theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Ninh, IUCN tổ chức đoàn tư vấn đánh giá do hai chuyên gia quốc tế thực hiện nhằm hỗ trợ hoạt động quản lý du lịch bền vững và bảo vệ môi trường tại Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà. Theo đó, những giá trị về địa chất của 2 khu vực trên hiện chưa bị đe dọa nhưng với số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng, cùng với công tác quản lý du lịch và chất thải chưa hiệu quả đã và đang tác động rất lớn đến những Giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản (OUVs).

Với mục đích hỗ trợ các chủ tàu tuân thủ các quy đinh mới được ban hành, cũng như xây dựng hệ thống xử lý nước thải trên tàu hoặc sử dụng dịch vụ bên ngoài, Hội thảo tập trung thảo luận các giải pháp công nghệ và quản lý đối với vấn đề nước thải tại Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà. Đồng thời kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị và tư vấn xử lý, quản lý nước thải tàu với các nhà quản lý và các doanh nghiệp du thuyền, chủ tàu du lịch hoạt động tại 2 khu vực trên.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp chia sẻ thông tin về các công nghệ xử lý nước thải trên tàu hiện đại, phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật của quốc gia và các quy định khác về bảo vệ môi trường của Quảng Ninh và Hải Phòng.

Đáng chú ý là giải pháp công nghệ sinh học kết hợp màng vi lọc tiên tiến (LML-MBR, AnMBR) xử lý nước thải sinh hoạt phục vụ mục tiêu tái sử dụng, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu bùn dư; bể phản ứng sinh học thông minh UABF cho hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt công suất vừa và nhỏ; thiết bị xử lý nước thải bằng công nghệ tự nhiên kết hợp nhân tạo, vật liệu composite trang bị trên các tàu khách và các khu nuôi trồng thủy sản hoạt động ven biển tại Việt Nam)…

Ở Hạ Long, mặc dù 100% thuyền có hệ thống tách dầu được lắp đặt, nhưng chỉ có một số thuyền thép hiện đại đã lắp đặt thiết bị xử lý nước thải trên tàu cho cả nước đen và nước xám. Những chiếc thuyền cũ, nhỏ và bằng gỗ khác không thể làm điều tương tự do không gian hạn chế của phòng máy.

Trong khi đó, cảng quốc tế Tuần Châu không có cơ sở thu gom nước thải từ những chiếc thuyền này để xử lý trong đất liền. Tại các địa điểm du lịch và xây dựng nổi như các trang trại nuôi trồng thủy sản nổi cho mục đích du lịch, lượng nước thải từ nhà vệ sinh đang tăng đáng kể và theo xu hướng vượt quá khả năng của bể tự hoại hiện nay, đòi hỏi phải có công nghệ tiên tiến hơn và sáng tạo hơn.

Tuy nhiên, chúng cũng là những vùng biển nhạy cảm và bị tác động môi trường bởi các hoạt động phát triển như du lịch, hoạt động hàng hải, nuôi trồng thủy sản, phát triển đô thị ven biển…

Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia thảo luận các giải pháp thiết kế thu gom và quản lý nước thải từ các tàu du lịch dựa theo kinh nghiệm quốc tế như: công nghệ EVAC Cleantech – xử lý nước thải khép kín và có thể tái sử dụng nước thải sau khi xử lý (Trung Quốc); công nghệ Fuji Clean- xử lý nước thải tại nguồn (Nhật Bản).

Khánh Ngọc (t/h)

   

Khánh Ngọc (t/h)