Con trẻ nghỉ hè và nỗi lo của cha mẹ!

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 11:30, 04/06/2019

Moitruong.net.vn – Hè về là niềm vui sướng, hạnh phúc của nhiều đứa trẻ sau một năm học kết thúc, song đó cũng là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh.

Qua một cuộc khảo sát về kỳ nghỉ hè của trẻ, đa số các bậc phụ huynh đều cùng quan điểm lo lắng, trăn trở và nhiều phương án cũng được đặt ra để giải quyết vấn đề này. Mỗi gia đình đều có một cách dạy con vui hè khác nhau, nông thôn có cách lo của nông thôn, thành thị có cách lo riêng của thành thị. Quan trọng làm sao giúp cho trẻ được thoải sức vui chơi, hoặc học để bổ sung thêm kiến thức nhưng không ép buộc để bọn trẻ không lãng phí đi mùa hè cũng là phương án được nhiều bậc cha mẹ suy nghĩ, lựa chọn.

Vào mùa hè, ở thành phố các bậc phụ huynh có điều kiện, họ thường cho con theo học các lớp năng khiếu, học bơi, chơi các môn thể thao hoặc đi tham quan du lịch cùng gia đình nhằm hạn chế các rủi ro cho trẻ.

Phụ huynh thường đưa con đến học bơi và kỹ năng an toàn dưới nước tại các hồ bơi

Chị Huỳnh Thị Thùy Hương (một cán bộ ở Hội An)  chia sẻ: Chồng chị là bộ đội, cháu lớn thì vừa hết mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1 nên cũng có nhiều cái khó, cho cháu ở nhà thì không có ai chăm. Vì ông bà cũng ở xa, cho cháu đi học hè cũng không đành vì mình từng trải qua cảm giác thích được “đến hè” để vui chơi này kia, không lo mấy chuyện bài vở, muốn con có 1 thời gian đúng nghĩa là hè. Nhưng cũng băn khoăn không cho con đi học thì khi vào lớp 1 con có bắt kịp được với giáo trình dạy học hiện nay không?

Còn anh Ngô Đức Hiếu (Cẩm Hà, Hội An) có sự lựa chọn khác cho con của mình nói: “Anh sẽ cho con đi tham gia học kỳ quân đội và du lịch, học thêm các môn thể thao như cầu lông, anh văn tại trung tâm”.

Ở thành thị, trẻ em được tiếp xúc với nhiều môi trường phát triển, có thể giao lưu học tập, tham gia trò chơi lành mạnh, nhưng cũng có điểm mà các bậc cha mẹ cũng phải “đau đầu” về việc chăm dạy con trẻ trong thời buổi hiện nay. Do công nghệ ngày càng phát triển, đã chuyển sang thời kỳ 4.0, đa số trẻ đều biết sử dụng điện thoại, máy tính… có một điều dễ nhận thấy là trẻ không tập trung vào các trò chơi bổ ích mà thường đam mê game, phim ảnh,… dễ dẫn tới tình trạng “sa đọa”, ảnh hưởng các thói hư tật xấu. Đây cũng là nỗi lo và trăn trở chung của nhiều bậc cha mẹ ở thành thị.

 Cùng chung quan điểm với nỗi lo của các bậc phụ huynh ở thành thị thì ở nông thôn với điều kiện kinh tế chưa phát triển bằng thành thị, nhưng mỗi khi đến mùa hè, các bậc phụ huynh cũng lo cho con trẻ không kém.

Với đặc thù kinh tế nhà nông, đa số là làm nông nghiệp “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, phụ huynh thường ra đồng từ rất sớm để lo việc đồng áng, có người lại đi buôn bán xa, mỗi người mỗi việc khác nhau để kiếm cơm lo từng bữa ăn cho gia đình. Nên vấn đề quan tâm, dạy dỗ con cái cũng có phần “chểnh mãng”chưa thật sự chu đáo, thời gian chăm lo cho con cái cũng gặp không ít khó khăn.

Trẻ con ở quê khi đến kỳ nghỉ hè thường rất hiếu động, tò mò, trong khi đó bọn trẻ lại không được tiếp xúc với nhiều công nghệ, giáo dục, hoặc các khóa ngoại khóa miễn phí như ở thành thị, bọn trẻ thường thiếu thốn, độ hiểu biết và ý thức có phần hạn chế hơn, cũng là sự thiệt thòi của bao đưa trẻ ở làng quê. Từ đó, bọn trẻ dễ bị cuốn hút vào những trò chơi xấu, không lành mạnh.

Đặc biệt, thời tiết hiện nay rất nắng nóng, bọn trẻ dễ tìm đến nơi có nước như ao hồ, đầm, sông suối để tắm, trong khi không có người lớn bảo quản, trông nom dễ dẫn tới tai nạn đuối nước thương tâm. Tai nạn đuối nước mỗi năm cướp đi hàng trăm sinh mạng của trẻ em ở các vùng quê, và đây cũng là nỗi lo lớn của nhiều bậc phụ huynh và toàn xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Như Nga (Núi Thành) chia sẻ: “Con trai tôi năm nay đã lên 4 tuổi, nghỉ hè cháu không đến trường, chỉ quanh quẩn ở nhà với mẹ, trong khi chồng tôi đi làm nghề sửa xe, tôi buôn bán nhỏ nên không có nhiều thời gian để ý tới cháu, thấy cháu không có bạn chơi cùng cũng tội, mà đưa đi học thêm thì cũng thương nên tôi thường đưa cháu về ở với ông bà ngoại, nhờ ông bà trông nom giúp, đến tối tôi lại đón về”.

“Nhà tôi có 3 đứa con, đến kỳ nghỉ hè đối với gia đình tôi là một nỗi sự vất vả cực kỳ, chúng nó còn nhỏ đứa lớn có 12 tuổi, đứa nhỏ nhất 5 tuổi, trong khi gia đình làm nông nên không đủ tiền cho con đi học thêm, học bơi,… Trong khi đó, tôi và vợ lo ra đồng làm lúa lo cho bữa ăn hàng ngày, để bọn trẻ ở nhà tôi lo lắm, sợ chúng rủ nhau đi đến nơi nguy hiểm để chơi, lỡ xảy ra chuyện gì thì có hối hận cả đời”, anh Nguyễn Anh Tuấn, một người dân khác lo lắng nói.

Còn theo các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh, nên quan tâm trẻ hơn nữa, vừa an toàn, đảm bảo sức khỏe cho trẻ, đồng thời một không gian thư giãn thoải mái cho trẻ khi hè về để khỏi đánh mất một mùa mùa hè lãng phí.

 Anh Đoàn Minh Trung – Giám đốc tổ chức Swim Việt Nam chia sẻ: Tổ chức của chúng tôi, đi dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em ở nhiều tỉnh thành khác nhau, có một điều tôi luôn thấy thương và trăn trở thay cho các bậc làm cha, làm mẹ, nhất là vào thời điểm mùa hè, thời tiết nắng nóng, tình trạng đuối nước thường xảy ra, cướp đi sinh mạng nhiều đứa trẻ vô tội. Tôi nghĩ, nên chính quyền và người dân địa phương các nơi, nên đặt biển báo nơi nguy hiểm như sông, hồ, ao suối, thực hiện quy tắc không biết bơi thì đừng xuống nước. Hoặc không cho trẻ đi một mình đến nơi có khu vực nước sâu, mà phải có bố mẹ đi kèm, kể cả đi tắm biển, hoặc đi bơi, để tránh các tình trạng đuối nước xảy ra.

Thời tiết nắng nóng, trẻ em dễ mắc các chứng bệnh đường hô hấp, đường ruột, sốt xuất huyết do trẻ có dễ dùng nước đá, đồ ăn lạnh, hoặc các thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, muỗi đốt… vì vậy các bậc phụ huynh nên chú ý trong việc chăm sóc trẻ, nên cho trẻ ăn nhiều chất có vitamin C, thức ăn phải sạch sẻ, đun sôi nấu chín, uống nhiều nước, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cho trẻ vận động vui chơi, có lịch rõ ràng cụ thể, sử dụng kháng sinh, thuốc khi có đơn của bác sĩ, chị Thanh dược sĩ ở một Trung tâm y tế của tỉnh Quảng Nam khuyên thêm các bậc phụ huynh trong vấn đề chăm sóc con trẻ.

Có thể nói, hè đến là lúc các em rỗi rảnh nhất nên các bậc cha mẹ luôn sợ con mình bị “cuốn” vào những thói hư, tật xấu. Thật ra, chúng ta vẫn có thể cho con học những môn năng khiếu ở Nhà Thiếu nhi như: hội họa, nhạc, cầu lông, đá bóng, múa, hát… hay các lớp kỹ năng ở những trung tâm bên ngoài để con phát huy năng khiếu bản thân, là cơ hội trưởng thành hơn. Hoặc có điều kiện, chúng ta nên cho con trải nghiệm mùa hè bằng những chuyến du lịch để giải tỏa áp lực học hành, thi cử. Tôi vẫn thấy nhiều người, khi hè đến cho con về quê chơi với ông bà. Như vậy, con vừa có thời gian thư giãn, vừa thăm hỏi ông bà nội ngoại lại không bị cuốn vào những trò chơi game vô bổ. Ngoài ra, thời điểm này, lực lượng đoàn viên thanh niên đã lên kế hoạch sinh hoạt hè, đề ra những chương trình vui, học hè bổ ích cho thiếu nhi.

Thiết nghĩ, đây là dịp để các bậc phụ huynh cho con tham gia, trải nghiệm những ngày hè thật sự bổ ích cùng những “chiến sĩ tình nguyện” để các em rèn luyện, tích lũy cho mình kinh nghiệm, kỹ năng sống cần thiết.

Nỗi lo mỗi dịp hè thì hiện hữu nhưng không hẳn với cha mẹ không có cách giải quyết, nếu chúng ta thật sự quan tâm và hiểu con mình. Hy vọng với điều kiện và khả năng của từng gia đình mà các bậc phụ huynh chọn cho con vui chơi hè thật phù hợp và bổ ích.

Như Quỳnh

Như Quỳnh