Lý do các ngọn núi không tiếp tục cao thêm nữa
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 07:00, 05/11/2019
Có hai yếu tố chính hạn chế sự phát triển của núi, Nadine McQuarrie – giáo sư khoa địa chất và khoa học môi trường tại Đại học Pittsburgh cho biết.
Yếu tố hạn chế đầu tiên là trọng lực . Nhiều ngọn núi hình thành do các chuyển động trong lớp bề mặt Trái đất được gọi là kiến tạo mảng. Các mảng tiếp tục đẩy nhau và các ngọn núi tiếp tục phát triển, cho đến khi nó trở nên “không thể chống lại trọng lực”, McQuarrie chia sẻ với Live Science. Khi ngọn núi trở nên quá lớn, nó ngăn chặn sự phát triển dẫn đến sự đứt gãy các mảng kiến tạo.
Theo nhiều đánh giá, ngọn Everest cao hơn 8.800m so với mực nước biển được cho là ngọn núi cao nhất hành tinh
Nhưng núi cũng có thể hình thành theo những cách khác. Chẳng hạn, những ngọn núi lửa ở quần đảo Hawaii hình thành từ đá nóng chảy phun trào qua lớp vỏ của hành tinh và chồng chất lên cao. Nhưng cho dù những ngọn núi được hình thành như thế nào, cuối cùng chúng cũng trở nên quá nặng nề và chịu thua trọng lực, McQuarrie nói.
Nói cách khác, nếu Trái Đất có trọng lực ít hơn, những ngọn núi của nó sẽ phát triển cao hơn. Đó là lý do vì sao trên sao Hỏa – nơi trọng lực thấp hơn Trái đất, những ngọn núi lại cao hơn rất nhiều. Olympus Mons trên sao Hỏa (25.000 m) hiện được coi là ngọn núi lửa cao nhất được biết đến trong Hệ mặt trời, cao gần gấp ba lần so với đỉnh Everest.
Yếu tố hạn chế thứ hai cho sự phát triển của núi trên Trái đất là các dòng sông. Ở giai đoạn đầu hình thành, những dòng sông tác động vào các cạnh của núi làm xói mòn đất đá, tạo ra những kẽ hở sâu gần chân núi. Điều này làm cho những ngọn núi trông có vẻ cao hơn. Nhưng trải qua nhiều năm, sự tác động ngày càng nhiều vào phần chân núi sẽ gây nên các vụ sạt lở đất, khiến “ngọn” trở nên bằng phẳng hơn và núi thấp xuống.
Những ngọn núi dưới nước cũng tương tự. Chúng không thể cao thêm để nhô hẳn lên mặt biển do bị hạn chế bởi trọng lực và lở đất. Tuy thế, những ngọn núi này vẫn cao hơn nhiều so với những ngọn núi trên mặt đất do nước có mật độ cao sẽ chống lại trọng lực nhiều hơn không khí.
Hiện nay, Everest được coi là đỉnh núi cao nhất của Trái đất, nhưng trên thực tế có những ứng cử viên khác cho “danh hiệu” này. Ví dụ như ngọn núi lửa đã tắt Mauna Kea ở Hawaii sẽ soán ngôi “cao nhất thế giới” của ngọn Everest nếu được đo từ chân núi – nằm sâu dưới Thái Bình Dương, đến đỉnh của nó. Chiều cao thực sự của Mauna Kea ước tính khoảng 10.210 m, cao hơn so với Everest, nhưng 6.000m chìm dưới mực nước biển và chỉ hơn 4.400m nổi trên bề mặt. Chỉ khi đo từ mực nước biển, đỉnh Everest mới là cao nhất hành tinh.
Nhật Lệ(t/h)