Cúng ông Công, ông Táo cần chuẩn bị những gì?
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 09:00, 15/01/2020
Theo dân gian truyền miệng, Táo quân cai quản bếp lửa và nắm rõ mọi chuyện trong nhà nên mọi người thường làm lễ tiễn ông Táo về chầu Trời rất trang trọng với ước muốn cầu xin những điều đẹp đẽ đến với cả gia đình trong năm mới.
Lễ cúng ông Công ông Táo có thể bắt đầu từ tối ngày 22 tháng Chạp đến 12h ngày 23 tháng Chạp. Theo đó, giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp là giờ mà Táo quân đã có mặt trên Thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc tốt xấu của gia chủ. Vì vậy cần hoàn thành nghi lễ tiễn ông Táo về chầu trời trước 12h ngày 23 tháng Chạp.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Thông thường, mâm cỗ cúng truyền thống bao gồm rất nhiều món, bao giờ cũng có lễ vật và các món ăn.
Lễ vật cúng Táo quân gồm có: Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn.
Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.
Vàng mã cúng ông Công, ông Táo gồm quần áo, hia, tiền âm phủ được đốt đi sau khi cúng vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Tiếp đó, gia chủ mới lập bài vị mới cho Táo công.
Quá trình cúng ông Công, ông Táo phải được làm trước thời điểm ông Táo cưỡi cá chép về trời tức là trước 12h ngày 23 tháng Chạp.
Trong mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo nhất định phải có cá chép. Nhiều vùng miền còn cúng cá chép sống với ý nghĩa “cá chép hóa rồng” để đưa các vị Táo về thiên đình. Nếu không có thời gian cũng như điều kiện mua cá sống, các gia đình có thể hóa cá chép giấy cùng với vàng mã và các loại tiền âm phủ.
Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép.
Sau khi bày lễ, thắp hương khấn vái, khi hết tuần hương, gia đình có thể lễ tạ hóa vàng mã, mang cá chép đến thả ở ao, hồ, sông, suối…
Khánh Linh (T/h)