Nhiệt độ ngoài trời có thể giảm 4 độ C nếu có nhiều cây xanh
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:50, 02/06/2017
(Moitruong.net.vn) – PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường cho biết, thành phố có nhiều cây xanh có thể giảm nhiệt độ ngoài trời khoảng 4 độ C, giảm chi phí năng lượng khoảng 12%, giảm độ bụi 13%.
Theo nghiên cứu của Đại học Michigan (Michigan State University, Urban Forestry), sự hiện diện của một cây ở gần nhà giúp giảm 30% lượng không khí ô nhiễm. Một cây trưởng thành hút mất 450 lít nước trong đất rồi lại trả về không khí dưới dạng hơi nước để làm mới không khí. Một cây phong có đường kính 30cm, trong một mùa nó có thể hút được lượng chất kim loại nặng trong đất như 60mg cadmium, 140 mg chrome, 820mg Nickel, và 5.200mg chì. Một cây trưởng thành có thể cung cấp lượng O2 cần thiết cho 4 người.
Cây xanh có vai trò quan trọng đối với môi trường sống ở các thành phố lớn. Chính vì vậy mà chủ trương chặt cây xanh của TP. Hà Nội để phục vụ dự án phát triển đô thị thời gian qua đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Khi được hỏi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Sự phát triển của đô thị là tất yếu để phù hợp với nền kinh tế – xã hội. Nhưng làm sao để sự phát triển đô thị hài hòa với vấn đề bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết. Ở các nước trên thế giới, quy hoạch hạ tầng luôn tính đến quy hoạch cây xanh, chứ không có chuyện, cứ có dự án mới lại phá bỏ cây xanh. Ở nước ngoài, họ quy định riêng cho từng tuyến phố, từng đô thị về việc đường rộng, hẹp, xây hầm hay cao tốc một phần phụ thuộc vào quy hoạch cây xanh trước đó, họ vẫn giữ được bản sắc riêng vốn có của tự nhiên.
Phát triển đô thị phải đảm bảo quỹ đất cho cây xanh để bảo vệ môi trường sống
Khi triển khai xây dựng đô thị mới, chủ đầu tư phải đảm bảo quỹ đất cho cây xanh. Cây được trồng phải đúng chủng loại, đúng tiêu chuẩn theo quy hoạch. Khi cải tạo, nâng cấp đường đô thị hoặc các công trình có liên quan đến việc chặt hạ, dịch chuyển, trồng mới cây xanh, chủ đầu tư phải thông báo cho cơ quan quản lý cây xanh. Việc lựa chọn các hình thức bố trí cây, loại cây trồng trên đường phố phải phù hợp với từng loại đường phố, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng.
PGS.TS Nga cho biết thêm, cây xanh rất quan trọng đối với môi trường sống, đặc biệt là ở thành phố. Nghiên cứu tại Singapore và Mỹ cho thấy thành phố có nhiều cây xanh có thể giảm nhiệt độ ngoài trời khoảng 4 độ C, giảm chi phí năng lượng khoảng 12%, giảm độ bụi 13%, tăng các giao dịch thương mại thêm 12% và giá trị đất đai 23%.
Theo nghiên cứu của viện nghiên cứu cây xanh Canada (FCA), một cây khỏe mạnh có thể hấp thụ khoảng 2,5 kg CO2/ năm, một cây trưởng thành có thể hấp thụ từ 3.000 đến 7.000 hạt bụi/ m3 không khí. Một cây trưởng thành có thể cung cấp lượng O2 cần thiết cho 4 người.
Do đó, trong trường hợp nếu phải xây dựng mở rộng đo thị thì cố gắng di dời tất cả cây xanh đến nơi phù hợp để “lá phổi” của thành phố được duy trì.
Theo SKĐS