Kiên Giang: Lan tỏa mô hình Câu lạc bộ vì môi trường xanh

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 09:15, 06/02/2020

Moitruong.net.vn – Các Câu lạc bộ về bảo vệ môi trường được thành lập là lực lượng tiên phong phát huy vai trò tích cực thực hiện các vấn đề về môi trường, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường.

Việc triển khai các mô hình nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức trồng cây xanh, làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, giải quyết những vấn đề môi trường, tồn đọng trên địa bàn dân cư. Đồng thời tạo dựng thói quen, nếp sống vệ sinh sạch sẽ; gắn với quyền lợi thiết thực của người dân với cộng đồng, có ý thức giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt, sử dụng nguồn nước sạch, xây dựng các bể chứa nước, nhà tắm, công trình vệ sinh của hộ gia đình, nước thải, rác thải được thu gom và xử lý đảm bảo đúng quy định.

Ông Nguyễn Văn Tâm – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chương trình bảo vệ môi trường đối với thuốc bảo vệ thực vật với nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, kinh phí từ các dự án, đề tài trong tỉnh, đến nay chương trình đã xây dựng được hơn 200 bể chứa bao thuốc bảo vệ thực vật kiên cố, đúng quy chuẩn kĩ thuật tại các tuyến đường nông thôn, trên các cánh đồng sản xuất lúa tập trung của bà con nông dân. Từ đầu năm đến nay đã thu gom bao, gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng khoảng 3.338kg đem tiêu hủy.

Mô hình “Truyền thông và quản lý môi trường dựa vào cộng đồng” được thành lập tại xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp.

Bên cạnh đó, người dân tại các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Hà Tiên, Phú Quốc đã xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt trên thân cây tiêu, cây măng cụt, sầu riêng và chanh không hạt…nhằm tiết kiệm nước. Áp dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap trên cây khóm, tiêu, măng cụt, dưa lê, bắp với quy trình kỹ thuật tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Trồng một số rau ăn trái, rau ăn lá trong nhà lưới; áp dụng quy trình 1 phải – 5 giảm trong xây dựng cánh đồng lớn; mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học, theo hướng VietGap, xây hầm Biogas…nhằm giảm mùi hôi, phân giải phân, hạn chế sinh khí thối, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của vi sinh vật có hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Xây dựng mô hình “Thực hiện hài hòa giảm nghèo và bảo vệ môi trường đã được Ủy ban mặt trận tổ quốc xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành thành lập với ban chỉ đạo 18 thành viên phụ trách từng cụm dân cư. Ban chỉ đạo đã tổ chức tuyên truyền làm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức về sự nghèo khó, phân tích các nguyên nhân dẫn đến cái nghèo, nâng cao nhận thức của việc vì sao phải thực hiện hài hòa giảm nghèo với bảo vệ môi trường để người dân tự giác đăng ký thực hiện với 100% hộ gia đình trên địa bàn cam kết thực hiện hài hòa giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Tại ấp Gành Dầu, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, người dân lại tích cực tham gia mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tổ tự quản vệ sinh môi trường vận động người dân vệ sinh đường, ngõ xóm, cống rãnh thoát nước mỗi tuần 1 lần. Tổ chức cho từng hộ gia đình thu gom rác chuyển chất thải và xả nước đúng nơi quy định. Vận động nhân dân đầu tư xây dựng các công trình giếng nước, nhà vệ sinh, nhà tắm, công trình vệ sinh chuồng trại đảm bảo vệ sinh, an toàn đối với khu sinh hoạt của cộng đồng.

Mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật góp phần giảm ô nhiễm môi trường trên đồng ruộng.

Để xây dựng Câu lạc bộ Vì môi trường xanh, Hội cựu chiến binh phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá đã tham mưu và được Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường chấp thuận. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Môi trường xanh có 16 thành viên do Chủ tịch Hội Cựu chiến binh làm chủ nhiệm, Bí thư đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội phụ nữ phường làm phó chủ nhiệm, các thành viên gồm: Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, 04 trường THPT, cơ quan Ủy ban phường và Ban lãnh đạo 5/5 khu phố. Câu lạc bộ đã vận động hội viên, cộng đồng dân cư chung tay bảo vệ môi trường, gom rác thải, dọn dẹp đường phố, trồng cây xanh, vệ sinh môi trường nơi làm việc, sinh hoạt và xung quanh trụ sở cơ quan.

Mô hình điểm “tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu” được triển khai xây dựng tại các Họ đạo Huyền Linh Đàn – phường An Hòa, thành phố Rạch Giá thuộc Hội thánh Cao đài Bạch Y; Họ đạo Gò Quao thuộc Hội thánh Cao Đài Tây Ninh; Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thị trấn Kiên Lương; Chùa Phật Đà – thị xã Hà Tiên; Giáo xứ Bình Châu – Tân Hiệp và Chi hội Hưng Mỹ Tự – xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng thuộc Ban Trị sự Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam tỉnh Kiên Giang nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp tích cực của các chức sắc và tín đồ tôn giáo; đồng thời, hiện thực hóa những cam kết của các tôn giáo đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu trên địa bàn khu dân cư, góp phần nâng cao chất lượng sống ở cộng đồng, xây dựng khu dân cư, xã nông thôn mới; khu phố, phường đô thị văn minh.

Đồng chí Lê Thị Vệ – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và 10 tổ chức tôn giáo, sau đó hướng dẫn xây dựng mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 để các huyện, thành phố và các tổ chức tôn giáo phối hợp thực hiện. Đến nay, 15 huyện, thành phố triển khai và ký kết chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện, thành phố với phòng tài nguyên và môi trường và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn. Hiện có trên 71 mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, qua đó các tín đồ đã có những chuyển biến về nhận thức và hành vi: Không xả rác bừa bãi, thu gom rác công nghiệp vào một chỗ để tiêu hủy, giữ gìn nơi ở sạch sẽ, xây nhà vệ sinh, trồng cây xanh, không vứt xác động vật ra đường, những hộ chăn nuôi nhiều làm hố biogas, giữ gìn vệ sinh gia đình, cộng đồng dân cư, trồng mới cây xanh, sửa đường bị ngập, xử lý điểm ô nhiễm môi trường…

Mô hình hầm Biogas được các hộ chăn nuôi áp dụng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp các tổ chức thành viên xây dựng hơn 2.000 mô hình môi trường, nâng tổng số toàn tỉnh đến nay có hơn 4.000 mô hình, trong đó, mặt trận chủ trì trên 423 mô hình, xây dựng 12 mô hình môi trường tiêu biểu trong hệ thống mặt trận tổ quốc, 528 mô hình bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt đã tạo đà cho sự phát triển hài hòa, bền vững giữa phát triển kinh tế gia đình với bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nếp sống văn minh ở thành thị, xây dựng nông thôn mới ở khu vực nông thôn.

Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch về bảo vệ môi trường, bám sát nội dung Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp, vấn đề cấp bách về bảo vệ môi trường. Đồng thời yêu cầu các Sở, ban ngành đoàn thể phối hợp với ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt tiêu chí 17 về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, mô hình tự quản về bảo vệ môi trường hiệu quả ở địa phương; quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn chi sự nghiệp môi trường, tiếp tục đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường.

Trương Anh Sáng

Trương Anh Sáng