Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 08:31, 06/06/2020

Moitruong.net.vn -Ngày 5/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Lễ công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai.

Đây là sự kiện được tổ chức nhân dịp hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay, một sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới.

Quang cảnh lễ thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết: Những năm gần đây, diện tích các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên bị suy giảm nghiêm trọng. Một lượng lớn đất ngập nước đã phải nhường lại cho phát triển hạ tầng, các khu công nghiệp và dân cư. Đồng thời, việc khai thác quá mức các nguồn lợi của đất ngập nước, không có cơ chế giám sát và thực thi hiệu quả cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm nghiêm trọng tính đa dạng sinh học của các vùng đất ngập nước.

Việc thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai có giá trị rất lớn, thể hiện cam kết và quyết tâm trong bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ lợi ích của nhân dân và phát triển bền vững của đất nước, góp phần thúc đẩy các hoạt động bảo tồn tại Việt Nam, cân bằng sinh thái và duy trì cảnh quan tự nhiên, các giá trị đa dạng sinh học, phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội.

Vùng đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế là hệ đầm phá bán khép kín lớn nhất khu vực Đông Nam Á, là nơi có tính đa dạng sinh học cao, có số lượng loài sinh vật rất phong phú và hết sức đa dạng về các hệ sinh thái gồm 1.296 loài (bao gồm 41 loài quý hiếm) sinh sống trong các hệ sinh thái đặc thù mang tính đại diện cho khu vực như cỏ biển, thực vật thủy sinh nước ngọt, cửa sông, rừng ngập mặn…

Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo môi trường sống và phát triển thuận lợi nhất cho các loài thủy sinh vật, cung cấp các bãi giống, bãi đẻ và là nơi có tầm quan trọng đặc biệt đối với các loài chim di cư, trú đông, trong đó, có một số loài chim nước di cư, trú đông có tầm quan trọng quốc tế, bị đe dọa trên toàn cầu được liệt kê trong Danh lục đỏ của IUCN và Sách đỏ Việt Nam. Tại đầm phá cũng có rất nhiều loài có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguồn lợi thủy sản, nguồn giống tôm, cá lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của đầm phá.

Việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai sẽ đóng góp cho mục tiêu bảo tồn hiệu quả các giá trị đa dạng sinh học của khu đầm phá của tỉnh, đồng thời bảo đảm sử dụng khôn khéo vùng đất ngập nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của khu vực bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai được thành có ý nghĩa rất lớn trong bảo tồn và phát triển hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình và quan trọng tại Việt Nam. Khu bảo tồn ra đời sẽ là cơ hội để triển khai các hoạt động bảo tồn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cân bằng sinh thái và duy trì cảnh quan tự nhiên, các giá trị đa dạng sinh học, phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực.

Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai

Cũng tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Thiên Định nêu rõ: “Vai trò và tầm quan trọng của hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế là rất lớn. Vì vậy, việc xây dựng Kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn; có phương án hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho người dân trong và xung quanh khu bảo tồn; tổ chức quản lý, vận hành hoạt động khu bảo tồn một cách bền vững và phát triển là nhiệm vụ cấp thiết, cần sự chung tay của toàn thể cộng đồng, toàn thể chúng ta”.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2020 với chủ đề “Hành động vì thiên nhiên”, sau lễ công bố thành lập Khu bảo tồn, các đại biểu đã tham quan thực địa khu vực rừng ngập mặn xã Quảng Thái và Quảng Lợi thuộc khu bảo tồn; đồng thời thả tôm, cua, cá giống tại Vũng Mệ thuộc Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Vũng Mệ để tái tạo nguồn lợi thủy sản, tăng tính đa dạng sinh học vùng đầm phá.

An Nhiên

An Nhiên