Vang mãi hào khí, tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 00:30, 02/09/2020
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là dịp chúng ta ôn lại những bài học kinh nghiệm quý báu và phát huy hào khí của sự kiện đó để đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu)
Bước ngoặt lịch sử
Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
75 năm qua, thực hiện lời thề thiêng liêng tại Lễ tuyên ngôn độc lập, toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy. Nhân dân ta đã đổ biết bao công sức, trí tuệ, hy sinh biết bao xương máu để giữ vững thành quả và phát huy giá trị của Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập dân tộc và tự do hạnh phúc cho nhân dân.
Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ đầy gian khổ hy sinh, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
Tiếp đó, trải qua 21 năm chiến đấu anh dũng kiên cường, đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, giành toàn thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Tiếp tục xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước
Những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2-9 luôn tạo nên hào khí và sức mạnh nội lực cho toàn Đảng, toàn dân ta bước tiếp những chặng đường mới, viết tiếp những trang sử oanh liệt mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Chính từ nguồn sức mạnh vô bờ bến này, nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn gian khổ, chung sức, đồng lòng chiến đấu, giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Lào và Campuchia.
Không chỉ lòng yêu nước, sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam thời kỳ mới còn bắt nguồn từ lòng dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Do đó, chỉ với sức mạnh đoàn kết nhất trí của toàn dân, sức mạnh của nền kinh tế tự chủ ngày càng vững mạnh, một nền văn hóa dân tộc được phát huy với những con người Việt Nam có phẩm chất, năng lực, trí tuệ cùng với một quân đội giữ vững truyền thống và với lập trường ngoại giao khôn khéo tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi thì chúng ta mới có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đưa đất nước vững bước tiến lên.
Đặc biệt, sức mạnh nội lực của quốc gia còn là ý chí của toàn dân tộc, lúc này là ý chí chấn hưng đất nước theo định hướng phát triển, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu. Ý chí đó thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng tập thể, từng cấp lãnh đạo, quản lý, đó là sức mạnh to lớn đưa dân tộc Việt Nam tiến lên.
Diện mạo của Thủ đô ngày càng hiện đại hơn.
Ngày nay, trên thế giới, tuy hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới đạt nhiều thành tựu quan trọng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Bởi kinh tế phát triển chưa bền vững, thiếu chiều sâu; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Đặc biệt, 4 nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, thậm chí có mặt trầm trọng hơn; nhất là nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ; tham nhũng, lãng phí…
Xác định sức mạnh nội lực bắt nguồn từ tinh thần yêu nước, do đó, cần quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển tinh thần yêu nước của người Việt Nam; cụ thể hóa thành các chính sách, phong trào thi đua yêu nước đem lại hiệu quả cụ thể, thiết thực. Thực tế, việc giáo dục lòng yêu nước, phát triển các phong trào thi đua luôn được Đảng nhấn mạnh qua các kỳ đại hội và nhiều hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, nhấn mạnh: Xây dựng lòng yêu nước, với mục tiêu “đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”.
Tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Trung ương Đảng ta đã ban hành nhiều văn kiện. Dự thảo Báo cáo chính trị nêu rõ: Đại hội được tiến hành theo phương châm Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển với chủ đề: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trước mắt chúng ta, có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang diễn ra là một thí dụ cụ thể. Dẫu sao chúng ta vẫn tin rằng bài học về nắm bắt thời cơ của Cách mạng Tháng Tám và của 75 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn có giá trị thời sự.
Minh Hùng