Nghệ An: Quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 11:00, 29/11/2020
Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều mỗi năm khoảng 1-1,5%, trong đó vùng miền núi 2 – 3%; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2025 phấn đấu giảm xuống mức thấp hơn bình quân chung cả nước.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế ở Nghệ An giúp dân thoát nghèo
Tương Dương là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước. Thế nhưng, điều đáng mừng là phong trào sản xuất, kinh doanh những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Ngày càng có nhiều hộ viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Riêng năm 2019, toàn huyện Tương Dương có 1.263 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 24,28%, giảm 6,19%. Đáng ghi nhận là có tới 490 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện còn giảm xuống còn 19,78%. Ngoài ý thức chủ động thoát nghèo của người dân, trong 5 năm qua, huyện Tương Dương đã huy động nguồn vốn trên 300 tỷ đồng để đầu tư vào các chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững.
Năm 2020, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn Nghệ An tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban ngành, đoàn thể chính trị – xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Quá trình đó, có sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ đó, đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh còn 4,11% (tương đương 41.041 hộ) thì đến đến cuối năm 2020, ước tính tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3%.
Mặc dù đã được những kết quả tích cực nhưng đánh giá khách quan, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chưa thực sự bền vững, vẫn còn nhiều hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Hiện nay, toàn tỉnh vẫn đang còn 1.340 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đang cao hơn mức bình quân cả nước. Việc bình xét, phân loại hộ nghèo, nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp ở một số địa phương chưa sát thực tế. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện còn ít; khả năng huy động nguồn vốn xã hội tuy đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn thấp. Một bộ phận người nghèo còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo.
Cùng với đó, tỉnh thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn trọng điểm huyện nghèo, xã nghèo vùng khó khăn. UBND tỉnh đang xây dựng các giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để sớm xóa nghèo đối với 1.340 hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo. Tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với một số nhóm đối tượng trong hộ nghèo có thành viên là người có công, những người yếu thế, những người không có khả năng lao động…
Để giảm nghèo bền vững, vấn đề đặt ra là các cấp ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động nguồn lực hỗ trợ và quan trọng nhất là quyết tâm của chính các hộ thuộc diện nghèo trên địa bàn tỉnh.
Trọng Nhân