Đánh Phết và những trò chơi dân gian ngày Tết
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 07:00, 17/02/2021
Không chỉ khiến con người vui vẻ, hòa nhập và gần gũi, các trò chơi dân gian còn chứa đựng những nét đẹp văn hóa, thấm đẫm giá trị truyền thống của dân tộc.
Mỗi độ Tết đến, xuân về, cùng với các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, ẩm thực thì các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian luôn là điểm nhấn hấp dẫn thu hút sự quan tâm của người dân.
Trò chơi dân gian có nhiều thể loại phù hợp với sở thích nhiều lứa tuổi. Theo đó mỗi trò chơi đều có luật riêng và mang những sắc thái khác nhau vừa rèn luyện thể lực, sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật, vừa thể hiện tinh thần thượng võ và cũng là chất keo gắn kết cộng đồng.
Cờ người là trò chơi vô cùng thú vị vào ngày Tết
Trò chơi đánh phết
Đánh phết là trò thi đấu chơi vào ngày hội xuân ở đồng bằng Bắc Bộ. Sân chơi là sân đình, hai đầu sân (theo hướng Đông-Tây) có vòng tròn vạch vôi hay đào lỗ làm mục tiêu.
Người đánh phết chia làm hai phe, dùng gậy tre để cả gốc dài 1m, đánh vào quả phết (làm bằng gỗ tròn sơn đỏ, tượng trưng cho Mặt Trời), hễ quả chuyển vào vòng tròn (hay lỗ) của đối phương là thắng cuộc.
Có người cho rằng, trò đánh phết có nguồn gốc từ tục thờ Mặt Trời (quả phết chuyển động từ đông sang tây và ngược lại).
Dân gian còn gắn trò chơi này với sự tích Hai Bà Trưng luyện tập binh sĩ. Các cuộc thi đấu phết đều thu hút đông đảo người xem, mọi người cùng hò reo khích lệ trong không khí ồn ào sôi động. Cũng bởi vậy mà có câu khẩu ngữ “Vui ra phết”.
Trò chơi kéo co
Trò chơi kéo co là môn thể thao mang tính đồng đội, thường có mặt trong các dịp lễ, Tết, sự kiện sinh hoạt cộng đồng, thu hút đông đảo mọi người tham gia.
Cách chơi kéo co đơn giản, số người chơi bao nhiều tùy ý, chia làm hai phe bằng nhau, làm mốc đánh dấu vạch vôi để bên nào kéo được đối phương sang qua vạch mốc bên kia là bên đó thắng.
Trò chơi này thường được tổ chức ở vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Đây là vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt và là cái nôi của nền văn minh lúa nước.
Năm 2015, UNESCO đã ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng với một số quốc gia khác là Campuchia, Hàn Quốc và Philippines.
Cờ tướng – cờ người
Cờ người là trò chơi vô cùng thú vị vào dịp Tết. Hiểu một cách đơn giản, đây là chơi cờ tướng dùng người thay vì dùng quân cờ di chuyển trên bàn cờ.
Ở miền Bắc, cờ người gồm 32 quân cờ (16 quân cờ nam và 16 quân cờ nữ) ngồi trên một sân rộng đã vẽ sẵn bàn cờ. 32 người đóng làm quân cờ sẽ mặc trang phục phù hợp với quân cờ mà mình đóng, đồng thời đứng đúng tại vị trí của quân cờ ấy trên bàn cờ. Hai người chơi sẽ đứng bên ngoài bàn cờ và chỉ đạo các quân cờ di chuyển theo luật cờ tướng. Người thắng là người bắt được Tướng của đối thủ.
Ở miền Nam, các quân cờ trong trang phục bên đỏ, bên xanh, tay cầm binh khí ngồi trên bàn cờ là một tấm thảm trải trên một khoảng đất rộng. Điểm khác biệt giữa cờ người miền Nam với cờ người miền Bắc đó là: các quân cờ trong cờ người miền Nam được sử dụng binh khí và quyền cước để có cơ hội di chuyển và ăn quân của đối phương.
Khi hai quân cờ ăn nhau sẽ di chuyển ra khu vực sông (ngăn cách giữa hai phe cờ) mà đánh nhau bằng võ thuật và binh khí. Cứ sau hai nước đi cờ lại có lời bình luận để người xem biết được nước cờ cao hạ. Cuối cùng bên nào ăn được Tướng của đối thủ thì bên đó chiến thắng.
Trò chơi đánh đu
Từ trong Tết bên cạnh đình hay một thửa ruộng rộng rãi, khô ráo, người ta chuẩn bị các cột đu. Họ chọn cây tre to, dài, để trồng đu. Một cây đu có thể được trồng bởi 4-6 cây tre to.
Cần đu cũng là những cây tre dài nhưng thon nhỏ, thường phải là tre đực để lúc người đu nắm vào cho gọn và chắc, tránh xảy ra trượt hay tuột tay lúc đu nhanh, mạnh.
Tùy theo sở thích mà người ta đu một hay đu đôi. Khi một người lên cần đu có thể nhờ một người khác đẩy cho mình có đà. Sau đó tự mình đu nhún tùy ý.
Đẹp nhất là đu đôi, các đôi trai gái ưng ý lựa chọn nhau lên đu, người nhún người đẩy. Tài năng và lòng dũng cảm của các chàng trai, cô gái được phô bày ở đây như dịp tự thể hiện bản thân…
Trò chơi đấu vật
Đây là một trò chơi thượng võ, cũng là một môn thể thao rất phổ biến vào dịp Tết và lễ hội. Để khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng, nhiều làng xã đã treo giải vật rất cao. Ngày xưa, giải thưởng có thể bằng tiền, bằng mâm đồng, nồi đồng hay một số thứ khác.
Quy định chung của cuộc đấu là người chiến thắng phải vật cho đối phương thua trắng bụng (ngã ngửa ra đất) hay nhấc bổng được đối phương lên. Trong môn vật này không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà sự mưu trí và nhanh nhẹn đóng góp phần đáng kể.
Về kỹ thuật cũng có những “miếng” riêng như đệm, bốc, ghì… mà tùy theo từng hoàn cảnh và điều kiện đô vật phải biết lợi dụng triệt để các thời cơ để quật ngã hay bê bổng đối phương.
Trò chơi đập niêu đất
Đập niêu đất cũng là trò chơi dân gian khá phổ biến ở nhiều làng quê miền Bắc. Trò chơi thường diễn ra ở sân đình.
Trước khi chơi, người ta trồng ở giữa sân hai chiếc cột cách nhau 5m, buộc dây thừng nối 2 thân cột làm giá treo niêu. Một vạch mốc cách giá treo niêu khoảng 3 đến 5m được kẻ làm điểm xuất phát.
Trước khi chơi, trọng tài sẽ trao cho người chơi một chiếc gậy dài khoảng 50cm, những người tham gia chơi đứng dưới vạch mốc và bị bịt mắt nên họ phải định hình hướng đi và ước lượng khoảng cách treo niêu để đập cho trúng một trong những chiếc niêu đang treo trên dây.
Người đập trúng niêu sẽ có được phần thưởng ghi trong mảnh giấy nhỏ trong chiếc niêu bị đập vỡ…
Trò chơi đánh đáo
Đây là trò chơi rất phổ biến ở khắp các vùng quê xưa. Thú vui đánh đáo không chỉ hấp dẫn trẻ em mà cả đối với người lớn bởi nó thể hiện sự khéo léo của người chơi.
Trong ngày Tết, trẻ em được người lớn mừng tuổi một ít tiền và cũng được phép tiêu tiền nên dùng nó vào các trò chơi như đánh đáo.
Trò chơi rất đơn giản. Trên một bãi đất bằng phẳng, tùy theo quy định của người chơi mà khoét lỗ. Dễ thì khoét lỗ to, khó thì khoét lỗ nhỏ.
Ngoài lỗ đáo là vạch quy định để từ đó người chơi đứng ném tiền xu về phía lỗ đáo. Vạch này xa hay gần lỗ đáo cũng do những người chơi tự quy định, càng xa thì càng khó.
Đồng xu nào trúng vào lỗ thì người ấy được ăn. Cứ như vậy, lần lượt tới người tiếp theo, đến khi nào không còn xu nữa thì hết ván…
Trò chơi đi cầu kiều
Đi cầu kiều là một trò chơi đơn giản nhưng không kém phần thú vị. Ở trò chơi này, người ta lựa chọn một bờ đất cao trên một hố đất rộng, bắc một đoạn tre làm cầu.
Đoạn tre ấy một đầu nằm ghếch trên bờ đất, đầu kia buộc vào sợi thừng hay chão, dây buộc vào chiếc cột chôn vững chắc, làm sao để chiếc cầu đung đưa khó đi.
Giải thưởng được treo trên cột, đến lượt ai, người đó leo cầu lấy thưởng. Có người mới leo được vài bước đã ngã.
Có người ra tới cuối cầu, lấy được thăng bằng nhưng khi với tay lấy giải thưởng thì lại lăn tùm xuống ao, khiến cuộc chơi càng hấp dẫn và kích thích quyết tâm của mọi người.
Thái An